Tôi nhớ ngạn ngữ phương Tây nói rằng “Tôi sẽ nhìn nghiêng nếu bạn tôi chột mắt”. Nếu trên đời có cái gọi là nhân văn, thì cách nhìn ấy chính là nhân văn vậy.
Thiết nghĩ, phàm làm một con người thì hỉ, nộ, ái, ố là chuyện bản năng. Dễ dầu gì có được cái bản lĩnh “ngoài tươi trong héo”. Thì giáo viên – “kỹ sư tâm hồn” cũng vậy, họ không phải thánh nhân, đâu phải người cầm phấn nào cũng có cuộc sống ấm êm nên chuyện đừng bao giờ mang tâm trạng vào lớp học là quá khó. Mà tôi tin, không thầy cô nào muốn như vậy đâu, nhưng sẽ có những lúc lý trí bị chi phối bởi cảm xúc, đó cũng là chuyện bất khả kháng nên nếu giáo viên có “lỡ” như vậy thì cũng mong nhận được sự thông cảm của mọi người xung quanh.
Tôi là một giáo viên, tôi dạy môn văn nên càng thấm thía “quy luật”, để cảm xúc ngoài đời chen vào thì tiết học rất dễ bị bế tắc. Đó là một áp lực không hề nhỏ. Tôi không xấu hổ mà kể chuyện này, đó là chuyện tôi đang dạy mà nước mắt chảy ra hồi nào không hay, để đến khi nghe tiếng học sinh xì xào: “Im lặng, cô khóc rồi kìa!” thì giật mình, lau vội giọt nước mắt rồi dạy tiếp. Nhiều đồng nghiệp tỏ ra khó chịu, kêu ra nhắc nhở không nên để cảm xúc đời thường vào lớp. Tôi đâu muốn khóc như vậy, nhưng sao các bạn không hiểu giùm, nỗi đau đời tư của tôi là không hề nhỏ, nó lớn đến mức tôi chỉ muốn chết để giải thoát. Tôi trước sau vẫn là một cô giáo tận tâm. Thực lòng, vào lớp là chỉ muốn toàn tâm toàn ý cho bài học. Nhưng tôi nhạy cảm. Nhạy cảm thái quá thì thành ra mẫn cảm. Có dễ gì chuyện đứng dậy sau một cú ngã nên tôi cần thời gian để thăng bằng mọi thứ.
Mà sẵn đây tôi cũng xin nói thiệt, chuyện giáo viên “trót dại” mang tâm trạng vào lớp học thường bị đồng nghiệp nhắc nhở, khiển trách nhiều, còn về phía phụ huynh, coi vậy mà họ sẵn sàng bỏ qua, thông cảm. Như chuyện có lần tôi đi chợ gặp một chị phụ huynh, chị nhìn tôi bằng vẻ ái ngại, đồng cảm: “Con bé nhà chị tới bữa cơm nào cũng nói, cô giáo con dạy văn rất hay nhưng cứ buồn bã, hay khóc lắm mẹ, thương cô quá!”. Rồi chị động viên: “Cố gắng lên em, nước mắt chẳng giải quyết được gì! Đừng để bị suy sụp nữa!”. Tôi cười lặng lẽ đáp: “Dạ, cũng tại nỗi đau còn quá mới mà những bài học thì “nhạy cảm”, như muối sát vào vết thương nên em khóc hồi nào không biết luôn. Chị thông cảm em nha, cô giáo trẻ vừa hầu tòa vì án ly hôn, khi đứng lớp, gặp những bài học có nội dung na ná cuộc đời mình, cảm giác rất tệ! Em mắc cỡ với học sinh, với phụ huynh lắm!”.
Chị phụ huynh vui vẻ bảo đúng là chuyện chẳng đặng đừng mà! Lần nói chuyện cởi mở và nhận được sự thông cảm ấy, tôi thấy được an ủi nhiều, thấy cuộc sống không quá khó khăn như tôi đã nghĩ khi những tai ương liên tiếp ập xuống. Hơn thế nữa, khi nhận được sự thông cảm như vậy, trong tôi chỉ còn một ý niệm là phải làm sao để xứng đáng với ánh nhìn nhân văn đó.
Nguyễn Bích
Bình luận (0)