Không một miếng đất cắm dùi, những gia đình nhiều thế hệ dắt díu nhau lên miền Đông – Tây Nguyên kiếm sống bằng đủ thứ nghề theo mùa, từ hái cà phê, chăn bò, làm rẫy… Theo lối sống du mục, những đứa trẻ đang tuổi đến trường cũng phải chịu cảnh thất học.
Những đứa trẻ đã phải nghỉ học từ rất sớm
Không đi thì đói
Ông Hồ Xuân Long (thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, tiêu là nhiều gia đình chủ động liên hệ để tìm việc, sau 3-4 tháng hết vụ thì lại chuyển đi nơi khác. “Họ siêng năng, chịu khó và thật thà nên các chủ rẫy ở đây rất thích, tin tưởng giao quán xuyến mọi thứ trong gia đình khi có việc đi xa. Ngoài công việc chính, người lao động còn phụ giúp gia đình nhiều việc không tên khác và đều được chủ nhà trả công xứng đáng”, ông Long nói.
Cách đó không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Tâm cũng “nuôi” gần chục người cả già, trẻ để chủ động hơn trong việc tìm người. Họ đều là lao động đã làm việc từ nhiều vụ trước. “Để tạo điều kiện tốt nhất cho họ yên tâm làm việc, gia đình dành hẳn căn nhà nhỏ cho họ ở để có không khí gia đình nhưng đã quen sống kiểu du mục nên họ từ chối”, chị Tâm nói.
Trong căn nhà gỗ cũ kỹ có tuổi đời gần 40 năm của ông Long, chỉ tròm 30 mét vuông là nơi quây quần của 15 con người lớn nhỏ. Những chiếc giường xiêu vẹo đặt san sát nhau, đêm lại thả tấm rèm mỏng ngăn cách những gia đình nhỏ. “4-5 gia đình ở chung trong nhà, chúng tôi đều là người cùng làng, sướng khổ, vui buồn đều có nhau. Sống chung nảy sinh nhiều chuyện phiền phức nhưng kiếm sống xa nhà, chín bỏ làm mười”, chị Bé Hai tâm sự.
Chị Bé Hai cùng người đồng hương và các con, cháu
Chị Bé Hai (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) năm nay xấp xỉ 50 tuổi, gia đình đã khó càng khó hơn sau vụ tai nạn mất đi đứa con trai lớn. Chị và con trai út quyết định dắt nhau lên Đức Trọng từ tháng rồi bởi “ở quê không có đất trồng trọt, cũng chẳng ai thuê mướn bởi việc ít người đông, cái ăn thiếu trước hụt sau”. Con trai chị – Nguyễn Văn Khánh bỏ học từ khi tập đọc và bước sang tuổi 13 đã thành trụ cột bất đắc dĩ.
Hôm chúng tôi đến cũng là ngày lao động được chủ nhà cho nghỉ xả hơi sau hơn tháng bắt đầu vụ thu hoạch. Người lớn làm bếp, trẻ con nhặt rau, đàn ông thanh niên thì sửa soạn lại đồ nghề chuẩn bị ngày mai đi làm sớm. Chẳng biết đó là bữa cơm trưa hay chiều bởi tréo ngoe giờ chiều. Tôi tò mò hỏi thì được chị Bé Hai giải thích: “Ngày chỉ ăn 2 bữa cơm, bữa sáng lúc 5 giờ và bữa chiều lúc 3 giờ, riết rồi cái bao tử cũng quen”.
Bữa cơm tập thể chỉ có rau là chính
Mâm cơm được dọn ra trên tấm bạt chỉ có tô canh rau, vài miếng thịt ba chỉ cắt nhuyễn trộn với rau củ. Đấy là bữa cơm mà chị Bé Hai cho là thịnh soạn so với mọi bữa chỉ với cá khô mang từ quê lên và rau hái trong rẫy. Ăn uống thiếu chất, những đứa trẻ còm nhom, xanh xao mỗi ngày vẫn phải làm công việc như người lớn.
Đến từ Bạc Liêu, 6 thành viên trong gia đình gồm cha, con, dâu và rể của ông Nguyễn Văn Phương đã quen với cảnh sống du mục từ hơn 4 năm nay. Ban đầu, gia đình ông “neo” lại Bình Phước, hết việc thì chạy lên Đắk Nông, xong thì dạt về Lâm Đồng. “Nhớ nhà, nhớ quê lắm nhưng không đi thì đói”, ông Phương thở dài ngao ngán.
Quay quắt nỗi nhớ trường lớp
Anh Sơn chia sẻ: Nếu làm hưởng lương ngày thì 170.000 đồng, làm theo sản phẩm (tính theo số ký cà phê hoặc tiêu) khá hơn nhưng hầu hết chọn làm ngày vì đa phần là trẻ con. “Ở đây tiền chợ không đắt đỏ, nếu tằn tiện không thuốc lá, cà phê thì cũng tích lũy được khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Đây là khoản tiền không dễ kiếm được ở quê”, anh Sơn nói.
Lâm Hoàng Vinh lấy nước nấu cơm chiều
Cách trung tâm thị trấn Di Linh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) không xa, ông Nguyễn Văn Hổ cũng đã sửa lại lán trại che nắng, giữ ấm để đón 7 thành viên trong một gia đình đến từ Sóc Trăng đến ở và làm việc lâu dài. “Người lớn khổ đã đành, thương mấy đứa trẻ đến tuổi đi học nhưng cứ theo cha mẹ vào rẫy”, ông Hổ lo lắng.
Trong số gần chục đứa trẻ mà chúng tôi gặp, Danh Hoàng Vinh (ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) là người may mắn nhất khi được học đến lớp 4. Người bạn học cùng trường, cùng làng Danh Hoàng Lập cũng chỉ học đến lớp 3 là khăn gói theo cha mẹ lên xe đò đi Lâm Đồng làm thuê. Sớm bươn chải, trông các cô cậu “già” hơn so với cái tuổi của mình. Bỏ học đã nhiều năm nhưng ký ức về ngôi trường làng, bóng dáng cô thầy, bè bạn áo quần tanh mùi bùn đến lớp vẫn vẹn nguyên trong Lập và Vinh.
Bên trong căn nhà gỗ nát bươm, có quá nhiều thứ vật dụng lỉnh kỉnh nhưng chẳng có gì giá trị. Ngoài 2 chiếc điện thoại rẻ tiền có kết nối mạng internet từ wifi của chủ nhà ra không còn phương tiện giải trí nào khác. Chỉ tay lên vách gỗ, chị Bé Hai nói: “Có ti vi đó chứ”. Thì ra đó là hình vẽ chiếc ti vi do mấy đứa trẻ nghĩ ra để… cho có với người ta. “Mọi người cũng tính hùn tiền lại mua một cái rẻ tiền nhưng nghĩ lại đi làm cả ngày tối mịt mới về đến nhà, cơm nước rồi còn nghỉ ngơi, không có thời gian và sức để xem, hơn nữa tốn thêm tiền điện”, anh Danh Hoàng Sơn giải thích. |
Nhắc tới chuyện đi học, mắt Danh Hoàng Vinh sáng lên: Con ráng để dành tiền mai mốt về đi học lại, nhớ trường nhớ lớp lắm. Còn cu cậu Danh Hoàng Nam đen nhẻm nhỏ thó so với tuổi lên 4 nhưng lém lỉnh: “Con cũng muốn được đi học. Trường mầm non quê con đẹp lắm”. Nghe con nói, anh Danh Hoàng Sơn với vẻ mặt đầy âu lo: Có ai muốn để con cái thất học vậy đâu, mình không được đi học đã thiệt thòi nhiều thứ…
Chia tay Đức Trọng, lũ trẻ vẫn ngồi đó bên cửa sổ với ánh nhìn xa xăm, vô vọng. Dẫu biết chuyện đi học với các em còn xa nhưng chúng tôi vẫn hy vọng, mai này.
T.An
Bình luận (0)