Giáo viên bị quá tải khi ghi lời nhận xét học sinh về năng lực và phẩm chất… Ảnh: B.Vân |
Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT nêu ra 4 mục đích của việc đánh giá học sinh tiểu học. Đó là:
Thứ nhất, giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của các em để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của các em; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.
Thứ hai, giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.
Thứ ba, giúp cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình; tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục học sinh.
Thứ tư, giúp cán bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục.
Nhìn lại 2 năm thực hiện Thông tư 30, liệu mục đích này đã đạt được đến đâu? Nếu chưa đánh giá được mục đích thì việc sửa đổi, bổ sung e rằng chỉ giải quyết được phần ngọn. Chúng tôi thấy rằng, cả 4 nội dung trên đều chỉ đạt được một phần, thậm chí với một số chủ thể, lại không phải là phần lớn. Vì vậy, việc sửa đổi một số nội dung chi tiết có thể góp phần nâng cao hiệu quả đánh giá nhưng thực sự cũng rất khó đạt được mục đích đề ra, bởi để đạt được mục đích đó đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ nhiều giải pháp khác. Cụ thể:
Với dự thảo sửa đổi Thông tư 30, nhiều giáo viên cho là có nhẹ hơn cho họ, bởi bỏ sổ theo dõi chất lượng, đỡ phải ghi chép; về khen thưởng có rõ ràng hơn; với học sinh khối 4, 5 tăng điểm số giữa kì môn toán và môn tiếng Việt thì cũng là thêm một kênh đánh giá… Tuy nhiên, việc lượng hóa đánh giá thường xuyên theo 3 mức độ A, B, C có thể chỉ là cách gọi khác của giỏi, khá, trung bình trước đây… |
Đối với giáo viên, có lẽ phần được là nhiều hơn hết. Bởi giáo viên là người trực tiếp dạy, quan sát, theo dõi sự thể hiện của học sinh, cũng là người trực tiếp đánh giá, nên sự điều chỉnh của giáo viên là rất lớn và quan trọng. Trước khi có Thông tư 30, việc đánh giá cách nào đó có thể nói là thiếu quy chuẩn, thiếu thống nhất, thì với thông tư này, trách nhiệm, công việc đánh giá của giáo viên được cụ thể hơn, rõ ràng hơn, toàn diện hơn, hạn chế tình trạng không đánh giá hoặc đánh giá chủ quan, thiếu chính xác. Tuy nhiên, việc một giáo viên tiểu học phải đánh giá cho trên dưới 50 học sinh mỗi lớp cả thường xuyên và định kỳ, cả về năng lực và phẩm chất, cả sự tiến bộ và thụt lùi, cả bằng hình thức lời nói và ghi chép… khiến cho giáo viên trở nên quá tải và từ đó dẫn đến thiếu chính xác, hoặc chỉ đánh giá đại khái, na ná như nhau…
Đối với học sinh, việc tự đánh giá e là không đạt được kết quả như mong muốn. Bởi phần đông học sinh tiểu học ít có khả năng tự đánh giá mình, càng khó đánh giá bạn cùng lớp nên yêu cầu này về lý thuyết thì rất tốt nhưng trên thực tế có vẻ chỉ là hình thức. Có trường hợp, học sinh được yêu cầu bình xét cho bạn thì gần như chỉ lặp lại nhận xét “đã có” của giáo viên hoặc theo sự gợi ý của giáo viên chứ bản thân các em khó có điều kiện đánh giá được bạn mình. Không chỉ vậy, khi giáo viên đã “túi bụi” với công việc chuyên môn và việc đánh giá thì liệu có bao nhiêu người có thời gian và kiên nhẫn để nghe học sinh tự đánh giá mình và nói về kiểm soát khác?
Đối với cha mẹ học sinh cũng khó đánh giá được con em mình. Trước đây, nhìn vào điểm số thì phụ huynh có thể nhận ra ngay tình hình học tập của con em, nay phải dò đủ các bài, xem đủ các nhận xét của giáo viên (mà đâu phải lúc nào giáo viên cũng ghi nhận xét!), kiểm tra năng lực thực tế của trẻ (qua các bài đã học, các bài tập…), như vậy việc đánh giá có phần khó hơn. Không chỉ vậy, xu hướng chung là nhiều giáo viên và nhà trường đều quan tâm phần biểu dương nên đôi lúc phụ huynh bị nhầm lẫn hoặc ngộ nhận về năng lực và sự thể hiện thực sự của con em mình.
Đối với cán bộ quản lý giáo dục, sự điều chỉnh là thực tế và cần thiết. Với một số trường hợp, nhờ sâu sát hơn, giáo viên kịp thời phát hiện các hiện tượng hoặc các cá nhân cần quan tâm riêng, qua đó có thể có những hỗ trợ cần thiết hoặc điều chỉnh biện pháp chung của toàn trường. Thế nhưng, các điều chỉnh bằng chủ trương, định hướng hay bằng phương pháp mang tính tổng quát được bao nhiêu phần trăm, hay cuối cùng cũng trở về giáo viên đứng lớp? Như vậy, xét cho cùng, trăm thứ lại đổ vào phía giáo viên!
Để việc đánh giá học sinh có kết quả thực chất và thực sự góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, xin đừng quá câu nệ các chi tiết, như đánh giá bằng hình thức gì, bao lâu… mà phải quan tâm đến những giải pháp tổng thể. Đó là phải có một chương trình hợp lý, vừa phải; có sĩ số lớp phù hợp (không quá 35 học sinh/lớp); có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; phải tách các công việc sự vụ ra khỏi quỹ thời gian lên lớp của giáo viên (thu bảo hiểm, học phí, một số sổ sách…); phải để giáo viên có thu nhập tốt hơn để có thể yên tâm với công việc…
Trúc Giang
Bình luận (0)