Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đừng để trẻ mất hứng đầu năm học

Tạp Chí Giáo Dục

Sau những ngày hè được xả hơi thoải mái thì không ít học sinh không thích đi học, mệt mỏi vì học, mất hứng với việc học tập… khi bước vào những ngày đầu của năm học mới.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong ngày lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: N.Trinh

Nếu như gia đình và nhà trường thiếu những biện pháp hỗ trợ kịp thời thì chứng chán học có thể lại càng làm cho các em mất hứng, thất vọng, vi phạm kỷ luật. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, song chính sự xả hơi quá mức trong những ngày hè và sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kế hoạch của cha mẹ là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Vậy, để giúp các em có được trạng thái cân bằng sau những ngày hè, chuyển hoạt động chủ yếu là vui chơi sang học tập có kết quả tốt; theo các chuyên gia giáo dục, cần phải thực hiện một số biện pháp tác động cần thiết sau đây:

Nhận thức: Người lớn cần giúp các em hiểu rõ là khi bước vào năm học mới, nhiệm vụ quan trọng là học tập. Vì thế khoảng thời gian vui chơi giải trí, du lịch, tham quan đã khép lại và đó cũng chính là phần thưởng xứng đáng trong năm học mà các em được hưởng thụ. Tuy nhiên, sau mùa hè vui vẻ thì các em lại phải tiếp tục cố gắng nỗ lực để đạt được kết quả học tập tốt nhất. Nếu tâm lý còn thích chơi, xả stress thì kết quả học tập sẽ không tốt và mọi sự cố gắng sau này cũng khó đạt được. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên cấm tuyệt đối những gì các em thích thú mà cần định hướng, phân tích, giúp đỡ để các em nhận thấy nhiệm vụ nào quan trọng hơn trong thời điểm này.

Thái độ: Cha mẹ tuyệt đối không được chửi mắng con trẻ. Khi thấy con có biểu hiện chán học thì cần động viên, khích lệ kịp thời. Cùng con tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà con gặp phải. Trong thời điểm này, chỉ cần những lời động viên khuyến khích hay những phần thưởng nho nhỏ cũng có thể kích thích, giúp con lấy lại niềm vui trong học tập. Nếu không có hiệu quả, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường để cùng với giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ tham vấn học đường giúp trẻ chia sẻ và có biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải hết sức lưu ý rằng chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia cũng là hết sức khó khăn. Vì vậy, cha mẹ cũng không nên bắt con dành toàn bộ thời gian cho học tập mà nên vừa học vừa vui chơi giải trí như dành thời gian để chơi thể thao, đọc truyện…

Kỹ năng: Đang từ hoạt động vui chơi, các em phải chuyển sang hoạt động học tập cũng là giai đoạn cần có sự thích ứng nhất định. Vì thế, gia đình cùng nhà trường cần giúp các em có kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh và biện pháp khắc phục những biểu hiện tiêu cực. Chẳng hạn, nhà trường tăng cường tổ chức các buổi giao lưu đầu năm, các hoạt động thể thao, lao động…, qua đó vừa giúp các em sảng khoái, vui vẻ với các hoạt động ở trường cũng như sẵn sàng cho nhiệm vụ học tập. Ở gia đình, cha mẹ cũng nên khuyến khích các em tham gia tích cực vào việc nhà, nhất là những hoạt động lao động chân tay một cách nhẹ nhàng để vừa tạo điều kiện cho trẻ sống có trách nhiệm mà đồng thời còn có thể lấp đi những thời gian rảnh rỗi, vô ích dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực, tùy tiện.

Bên cạnh đó, trước kỳ nghỉ hè gia đình cần phải thống nhất kế hoạch cụ thể cho các em. Tránh sự quản lý tùy tiện, để các em tự do vô lối và dẫn đến quên việc học tập. Trong thời gian hè nên có sự kết hợp hài hòa giữa vui chơi và các hoạt động ôn bài, củng cố kiến thức.

Lê Phương

Bình luận (0)