Ngay từ tuổi cắp sách đến trường, con đã nghe rất nhiều lần từ cha mẹ rằng “con không chịu học bài gì cả”. Những câu như thế theo trẻ trong suốt thời gian đi học.
Con cái rất nhạy cảm với những lời dạy bảo của cha mẹ. Ngay từ tuổi cắp sách đến trường, con đã nghe rất nhiều lần từ cha mẹ rằng “con không chịu học bài gì cả”. Những câu như thế theo trẻ suốt thời gian đi học, khiến trẻ luôn trong tâm trạng bất an.
Nhầm tưởng lo lắng là quan tâm
Lan có cậu con trai tuổi mới lớn. Vào thời điểm Nguyên, con Lan chuẩn bị thi đại học, ngày nào cũng phải nghe mẹ dạy bảo: “Con là đứa con duy nhất của mẹ. Ráng học con nhé. Mà con học lơ mơ thế, làm sao có thể thi đậu được”. Lúc đầu, Nguyên thấy mẹ thật sự lo lắng cho mình. Nhưng sau đó, những câu nói này khiến cậu băn khoăn “chắc mẹ nói đúng, mình làm sao có thể thi đậu được. Thi đại học chứ có phải thi học kỳ đâu, khó đậu lắm”.
Cậu bắt đầu học chểnh mảng. Cậu thấy mình chẳng có khả năng thi đậu, còn mẹ chắc sẽ thất vọng về mình lắm. Bước vào phòng thi, những lời nhắc nhở của mẹ cứ vang lên trong đầu cậu “chắc chẳng đậu”. Cậu chẳng còn tâm trạng nào làm bài. Cậu nghĩ: thôi kệ đằng nào mà chả rớt. Giấy báo điểm được gửi về nhà. Bố giận tím mặt, mẹ thì khóc lóc. Bố không còn kiểm soát được mình nữa, quất thật mạnh vào người cậu. Khiến cậu bị tổn thương nghiêm trọng.
Ảnh minh hoạ |
Nghe câu chuyện này, người lớn chúng ta đổ thừa cho ai? Chẳng ai có lỗi cả. Lan lo lắng quá độ cho con và tương lai của con. Cô đâu biết rằng, ý nghĩ tiêu cực của cô có ảnh hưởng tiêu cực đến con. Còn Nguyên cũng không đáng trách, bởi cậu chưa đủ chín chắn và bị lạc vào nỗi lo sợ của mẹ. Cha Nguyên nóng giận và cư xử với con như đã từng dạy con trước đó bằng roi vọt.
Con cái rất nhạy cảm với những lời dạy bảo của cha mẹ. Ngay từ tuổi cắp sách đến trường, con đã nghe rất nhiều lần từ cha mẹ rằng “con không chịu học bài gì cả”. Những câu như thế theo trẻ trong suốt thời gian đi học. Những lời dạy bảo ấy thâm nhập vào trẻ, khiến trẻ luôn trong tâm trạng bất an. Trẻ nghĩ “ừ, mình không chú tâm học được”, vậy thì “nghe lời cha mẹ làm gì”, bởi đằng nào cũng có chú ý học được đâu. Có trẻ nổi loạn bằng cách trốn học. Chúng vẫn đến lớp mỗi ngày, nhưng lại lẻn vào những nơi có trò chơi điện tử.
Cha mẹ chẳng thấy có biểu hiện nào khác lạ ở con cho đến ngày nhận được giấy báo từ trường. Cả cha lẫn mẹ đều bị sốc vì vẫn chưa thể chấp nhận “con mình mà lại như thế”. Thế là những trận đòn giáng xuống đầu con. Có trẻ chịu không nổi trận lôi đình từ cha mẹ, nên toan tự tử. Có trẻ quyết định bỏ nhà đi bụi vì nhận ra cha mẹ có thương gì mình đâu, chỉ muốn quản lý mình thôi. Có trẻ lại trốn về nhà ông bà vì ông bà yêu thương mình hơn. Có một bé tôi biết, sau khi được phép sống với ông bà, đã trở nên ngoan ngoãn, học rất giỏi và nhận được học bổng toàn phần.
Quan trọng vẫn là lắng nghe con
Câu chuyện về Nguyên và các bé khác đáng để cho người lớn suy ngẫm và nhận ra tác hại của lo lắng. Chúng ta ngộ nhận giữa lo lắng và quan tâm. Làm sao có thể quan tâm đến con trẻ, mà không lo lắng thái quá trong những tình huống như trên. Với Lan, chị có thể ngồi cùng con và giúp con lên lịch học tập rõ ràng: giờ nào học, giờ nào vui chơi. Chị có thể giúp Nguyên bằng cách để ý xem con có khả năng theo kịp bài học không, nếu cần chị có thể giúp con học tập hoặc tìm một gia sư cho con. Đối với con trẻ, cha mẹ học cách nhận ra cảm xúc tiêu cực của mình để chuyển đổi chúng thành tích cực và có tính xây dựng. Lo lắng là cảm xúc tiêu cực và chẳng bao giờ đem lại kết quả tốt.
Quan trọng nhất là lắng nghe con (Ảnh minh hoạ) |
Đối với trẻ nghiện chơi điện tử, cha mẹ cần tỉnh táo. Hãy giải thích rõ cho con thấy quyền lợi cũng như nghĩa vụ của con. Cha mẹ sẵn sàng trả tiền để con học và hỗ trợ khi con học. Nếu con không dành đủ thời gian cho học tập, con sẽ không nhận được sự hỗ trợ này nữa. Con hãy nghĩ kỹ, nếu không, con cần phải làm gì đó để tự kiếm học phí cho mình.
Có những trường hợp trẻ sẽ không nghe chúng ta phân giải, đặc biệt trẻ tuổi teen. Có những trẻ tuổi teen không nhận ra tầm quan trọng của việc học và chúng không muốn học, nên khi dùng cách bắt chọn giữa học và đi làm, trẻ sẽ chọn đi làm. Trường hợp này, cha mẹ nên cho con chọn trường học hợp với con và chọn môn học con thích. Một cậu bé tôi biết ở Hà Nội nghiện vi tính nặng, có nguy cơ bị đuổi học. Cha mẹ đã đưa được em quay trở lại trường bằng cách cùng ngồi lại với em để bàn thảo xem em thích gì. Em thích học tiếng Anh. Theo nguyện vọng, em được chuyển vào trường quốc tế. Chỉ trong vòng vài tháng, em đã bỏ được thói nghiện chơi game và dần đứng đầu lớp. Sau đó, em đã nhận được học bổng toàn phần và đã lên đường du học.
Trish Summer/PNO
Bình luận (0)