Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trở lại bầu trời sau tai nạn

Tạp Chí Giáo Dục

22 năm trước, trung úy phi công Trần Mạnh Cường 24 tuổi, bị tai nạn trong chuyến bay nhiệm vụ. Các bác sĩ đánh giá tình trạng của anh có thể phải từ giã bầu trời. 

Trở lại bầu trời sau tai nạn
Đại tá Trần Mạnh Cường trong một giờ lên lớp dạy các phi công trẻ – Ảnh: VĂN THÀNH

Nhưng, giờ đây anh là phó trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân tiêm kích 935!

Không chỉ hồi phục và bay lại được mà anh Cường còn là một trong những phi công ưu tú của trung đoàn không quân tiêm kích hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Đại tá Trần Mạnh Cường vừa trở về sau chuyến đi làm quan sát viên cuộc tập trận lớn và phức tạp do không quân Hoàng gia Úc tổ chức, có 10 quốc gia ở các châu lục tham gia. 20 nước đã cử quan sát viên đến để học tập, tìm hiểu.

Không chỉ sử dụng tốt tiếng Anh, đại tá Trần Mạnh Cường còn rất giỏi tiếng Nga vì đã có quá trình học lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô cũ và thời gian làm việc với những phi công thử nghiệm của Hãng Sukhoi.

Người phi công chiến đấu luôn nâng tầm hiểu biết về kỹ thuật hàng không, nguyên lý bay, bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trên không

Đại tá TRẦN MẠNH CƯỜNG

Vụ tai nạn kinh hoàng

22 năm trước, phi công Trần Mạnh Cường đã tưởng vĩnh viễn khép lại giấc mơ tung bay trên bầu trời sau một tai nạn kinh hoàng.

Hôm ấy, anh và một giáo viên bay làm nhiệm vụ trên biển. Máy bay chạy lấy đà để cất cánh nhưng chưa rời đất thì hệ thống càng bị trục trặc. Phi công tắt máy thả dù hãm. Nhưng chiếc Mig-21 vẫn lao đi trượt khỏi đường băng, lướt xuống ruộng lúa.

Khi mọi người đến cứu, đưa các anh ra khỏi buồng lái, ai cũng nghĩ họ không sống nổi.

Đại tá Trần Mạnh Cường nhớ lại: “Khi nằm trên xe cứu thương, tôi đã tỉnh lại thấy quần áo rách bươm, máu me bê bết. Vào bệnh viện, tôi còn nói đùa với cô y tá đang chuẩn bị khâu những vết rách trên mặt, mũi là chị khâu đẹp đẹp giúp để em còn lấy vợ. 
Em chưa có vợ đâu”.

Bác sĩ điều trị nói với anh khả năng bay lại rất thấp. “Lúc đó tôi cảm thấy tất cả sụp đổ” – anh Cường kể. Suốt nửa năm nằm điều trị ở Bệnh viện 175, người sĩ quan trẻ đã tự học tiếng Anh, như một cách để quên đi nỗi buồn.

Ra viện, về lại đơn vị là chuỗi ngày luyện tập trong đau đớn của Cường. Cột sống bị biến dạng, chèn ép dây thần kinh, khớp chân bị bó lâu quá cứng đơ, anh kiên trì cắn răng tập.

Anh treo quả tạ tập co duỗi bắt đầu từ 0,5 – 2,3 rồi 5kg cho cổ chân mềm ra. Ngày nào cũng sáng rồi chiều đồng đội luôn thấy cậu phi công trẻ bền bỉ đến phòng tập. Rồi anh tập chạy, tập chơi các môn thể thao hàng không, kể cả bóng rổ…

Trong một lần trung tướng Nguyễn Đức Soát (nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) – một trong những phi công Mig-21 xuất sắc nhất của không quân Việt Nam thời chống Mỹ – về thăm đơn vị.

Biết chuyện, ông hỏi thăm trung úy phi công Trần Mạnh Cường rồi bảo: “Phi công Liên Xô cụt chân còn bay chiến đấu được trong chiến tranh vệ quốc.

Tôi cũng bị gãy chân mà vẫn bay Su-27 được (Su-27 có hệ thống điều khiển phanh bằng chân – PV). Đồng chí còn trẻ, yêu nghề bay thế tại sao không bay lại được nhỉ?”.

“Câu nói đó đã thêm động lực và niềm tin cho tôi” – đại tá Cường nói. Gần hai năm kiên trì, tốc độ hồi phục của người phi công trẻ nhanh đến nỗi nhiều đồng đội phải ngạc nhiên.

Suốt thời gian ấy, cứ mỗi lần nghe máy bay cất cánh là người phi công trẻ lại trào lên nỗi nhớ bầu trời, thèm bay đến nao lòng.

Cuối năm 1995, phi công Trần Mạnh Cường ra Hà Nội giám định sức bay. Sau khi kiểm tra rất gắt gao về thần kinh tâm lý, chân, tay, chụp xương sống, hội đồng y khoa ra kết luận trung úy phi công Trần Mạnh Cường thương tật 35%, sức khỏe hồi phục tốt, đủ điều kiện bay lại trên máy bay 
chiến đấu phản lực.

Sau hai năm rời xa bầu trời, phi công Trần Mạnh Cường hào hứng chờ đợi chuyến bay lại đầu tiên. Đến ngày bay, trước giờ lên máy bay đích thân trung đoàn trưởng kiểm tra lý thuyết phi công Trần Mạnh Cường.

Vì nghỉ bay lâu, trung đoàn cử một giáo viên bay kèm. Chỉ sau bốn chuyến, trung đoàn đã quyết định cho anh được phép bay đơn.

Thuần thục 3 loại 
máy bay chiến đấu

22 năm sau tai nạn, trung úy phi công Trần Mạnh Cường năm nào giờ đã là đại tá Trần Mạnh Cường, phó trung đoàn trưởng quân sự một trung đoàn chiến đấu với máy bay hiện đại nhất hiện giờ của Việt Nam.

Năm 2012, anh được phong danh hiệu phi công cấp 1 – cấp cao nhất của phi công Việt Nam. Giờ bay tích lũy của anh hiện đã gần 1.500 giờ.

Người phi công ấy đã kinh qua ba loại máy bay chiến đấu: Mig-21, Su-27 và bây giờ là Su-30MK2.

Điều đáng để tự hào là người phi công ấy đã vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh sau vụ tai nạn, không chỉ bay lại được mà còn thể hiện trình độ vượt trội khi luôn được lựa chọn bay chuyển loại trên những chiến đấu cơ thế hệ mới của quân đội.

Năm 2005, Trần Mạnh Cường là một trong những phi công đầu tiên được tuyển chọn để bay chuyển loại từ Mig-21 sang Su-27 – loại máy bay có vũ khí hỏa lực mạnh, cơ động nhanh.

Sau đó anh được đưa đi đào tạo cán bộ chỉ huy cấp chiến thuật, chiến dịch tại Học viện Phòng không không quân.

Năm 2010, anh là một trong năm phi công được những phi công hàng đầu của Nga trong Hãng Sukhoi sang Việt Nam đào tạo chuyển loại bài bản nhất.

Năm 2015, anh là một trong hai phi công của trung đoàn 935 được quân chủng chọn cử đi tham gia chương trình bay đề cao với những phi công chuyên gia giỏi nhất của Nga, bay trong điều kiện khí tượng khó khăn nhất của mùa đông miền Bắc Việt Nam.

Chuyện tình đẹp

Đại tá Trần Mạnh Cường kể: “Khi tôi nằm viện sau vụ tai nạn, cô ấy vào chăm. Mẹ tôi từ Hà Nội vào chăm một tháng rồi ra. Cô ấy học một lúc hai trường đại học. Chiều tối là vào thăm, mua thêm thức ăn, đồ bổ, nói chuyện tâm sự. Khi tôi còn đang khó khăn, chưa rõ tương lai như thế nào, cô ấy đã nói: anh đi đâu, em đi đó”.

Sự hi sinh, can đảm, dám chấp nhận khó khăn của cô gái làm anh phi công trẻ cảm động. Anh nói: “Chính cô ấy đã tiếp thêm niềm tin cho tôi vào cuộc sống, vào khả năng hồi phục của mình. Tình cảm từ đó sâu nặng hơn”. Năm 1995 họ làm đám cưới và hiện đã có hai con.

MY LĂNG/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)