Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tân sinh viên phải trả phí…đón tiếp nhập học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài học phí, không ít trường yêu cầu tân sinh viên khi nhập học phải đóng hàng loạt loại phí khác như phí cơ sở vật chất, phí quản lý hồ sơ, phí nhập học, phí vệ sinh, nước uống, sổ liên lạc điện tử…

Tân sinh viên phải trả phí...đón tiếp nhập học
Sinh viên học tại thư viện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Trường này thu phí thư viện 600.000 đồng/sinh viên/khóa học – Ảnh: BUH

Trong khi nhiều trường chỉ yêu cầu tân sinh viên khi nhập học đóng học phí và bảo hiểm thì không ít trường, nhất là các trường công lập, lại buộc sinh viên phải đóng thêm hàng loạt loại phí khác.

Với số tiền thu từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng mỗi sinh viên thì số tiền mà các trường hưởng lợi từ phụ phí không phải là nhỏ.

Đóng phí đón tiếp 
nhập học

Tại Trường ĐH Công nghiệp và dệt may Hà Nội, ngoài học phí và bảo hiểm, tân sinh viên phải đóng thêm các loại phí khác như phí vệ sinh công cộng 100.000 đồng, nước uống 100.000 đồng, lệ phí nhập học 30.000 đồng, sổ tay và thẻ sinh viên 50.000 đồng, sổ liên lạc điện tử 180.000 đồng. Đây là số tiền thu cho một năm học. Như vậy, mỗi thí sinh nhập học tại trường này phải đóng 460.000 đồng tiền phí.

Với chỉ tiêu tuyển sinh gần 1.500, nếu trường tuyển đủ và thí sinh nhập học đúng số lượng thì số tiền mà trường này thu từ các khoản phí lên tới gần 700 triệu đồng.

Một trong những khoản phí được nhiều trường thu đó là phí nhập học, và mức thu ở mỗi trường mỗi khác.

Theo đó, Học viện Ngân hàng thu 80.000 đồng/sinh viên, Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM thu 100.000 đồng, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM 150.000 đồng, Trường ĐH Lạc Hồng 250.000 đồng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông 250.000 đồng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng 270.000 đồng, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thu 300.000 đồng. Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thu phí nhập học lên đến 500.000 đồng/sinh viên. Trường CĐ Xây dựng số 2 (TP.HCM) gộp nhiều khoản phí lại thành lệ phí làm thủ tục nhập học, sinh hoạt đầu khóa và thông tin đào tạo với mức thu 200.000 đồng/sinh viên. Còn Trường ĐH Y Hà Nội sử dụng tên loại phí này khá kiểu cách: tiền đón tiếp và làm thủ tục nhập học, với mức thu 100.000 đồng/sinh viên.

Theo giải thích của một trường ĐH, đây là chi phí để trả cho việc tổ chức tiếp đón thí sinh, trả chi phí cho đội ngũ sinh viên hướng dẫn thí sinh trong ngày làm thủ tục nhập học, văn nghệ. Do trường không có kinh phí để trang trải cho các hoạt động này nên phải thu từ sinh viên để chi trả!

Và nhiều loại phí khác

Tại Trường ĐH Y Hà Nội, ngoài tiền tiếp đón và làm thủ tục nhập học, sinh viên trúng tuyển khi nhập học cũng phải đóng thêm một số khoản phí khác như: phí hỗ trợ dạy học trực tuyến, phí phục vụ thư viện ngoài giờ. Thậm chí, trường này còn thu luôn cả phí gửi chuyển phát nhanh giấy báo nhập học cho thí sinh.

Trong lúc đó, Trường CĐ Sư phạm trung ương (Hà Nội) cũng thu nhiều loại phí như thẻ sinh viên, thẻ thư viện, hồ sơ sinh viên, an ninh xung kích… với mức thu 290.000 đồng/sinh viên/khóa. Tuy số tiền thu không lớn nhưng Học viện Ngân hàng cũng thu các khoản phí khá triệt để, khi sinh viên phải đóng phí mua túi hồ sơ in sẵn, sổ tay sinh viên, phí làm thẻ và dây đeo.

Ở nhiều trường khác, sinh viên phải đóng tiền cơ sở vật chất hay phí vệ sinh, nước uống. Chẳng hạn Trường ĐH Tân Tạo thu phí cơ sở vật chất 300.000 đồng/sinh viên/học kỳ.

Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM thu phí cơ sở vật chất đối với sinh viên khối văn hóa, du lịch 150.000 đồng/năm học, khối âm nhạc, sân khấu là 400.000 đồng/năm học.

Còn Trường ĐH Buôn Ma Thuột lại thu phí vệ sinh, nước uống mỗi sinh viên 100.000 đồng.

Tương tự, Trường CĐ Kinh tế tài chính Thái Nguyên thu tiền nước uống và vệ sinh giảng đường 100.000 đồng/kỳ (5 tháng)/sinh viên.

Học viện Chính sách phát triển thu 220.000 đồng/sinh viên cho khóa học với các loại phí như hồ sơ sinh viên, sổ ngoại trú, giấy chứng nhận ngày công tác xã hội, sổ liên lạc điện tử, tài liệu học tập tuần lễ công dân đầu năm học…

Một khoản thu khác cũng được nhiều trường triển khai đó là phí thư viện. Mức thu mỗi trường khá khác nhau. Một số trường ĐH như Kiên Giang, Giao thông vận tải TP.HCM thu 50.000 đồng/sinh viên/khóa, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thu 80.000 đồng/năm học, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lại thu đến 600.000 đồng/sinh viên/khóa.

Ngoài ra, Trường CĐ Kinh tế tài chính Thái Nguyên lại thu tiền tài liệu, giáo trình lên đến 300.000 đồng/sinh viên/học kỳ. Theo trường, sinh viên sẽ được cấp và mượn tài liệu, giáo trình tất cả các môn học; tiền thừa sẽ được trả lại, nếu thiếu sinh viên nộp bổ sung.

Khám sức khỏe: mỗi nơi một giá

Sinh viên nhập học phải có giấy chứng nhận sức khỏe hoặc tham gia khám sức khỏe do trường tổ chức (tùy trường). Ở phần lớn các trường, lệ phí khám sức khỏe dao động 40.000 – 60.000 đồng/sinh viên.

Tuy vậy, cũng có trường thu đến vài trăm ngàn đồng mỗi sinh viên. Chẳng hạn, Trường CĐ Sư phạm trung ương thu 200.000 đồng, còn Học viện Chính sách phát triển lại thu phí khám sức khỏe đến 300.000 đồng/sinh viên.

 

MINH GIẢNG/TTO

 

Bình luận (0)