Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xóm “Việt kiều nhiều không”

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Mang tiếng là “Việt kiều” nhưng những người Campuchia gốc Việt hồi hương về sống ở các vùng ven hồ, vùng lòng hồ tại một số tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ lại có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cuộc sống của họ toàn là những con số không tròn trĩnh, không hộ tịch, không hộ khẩu, không nhà cửa… lại mưu sinh bằng nghề chài lưới bấp bênh…

Kỳ 1: Những phận đời nổi trôi

Giữa cái nắng chói chang, những đứa trẻ “Việt kiều” lớn tồng ngồng vẫn trần truồng, mặt đen nhẻm, tóc vàng hoe chạy nhảy nô đùa cạnh những lều, trại xiêu vẹo. Khách tứ phương đến cứ ngỡ lạc vào cảnh của một đoàn làm phim dựng lên để nói về sự tiêu điều của một làng quê thời chiến, ai ngờ lại là nơi sinh sống của hơn 1.000 “Việt kiều” ở ven hồ Dầu Tiếng (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh).

Trẻ con xóm “Việt kiều” chơi đùa giữa cái nắng chói chang

Quá nhiều số không

Ngày mới thành lập (khoảng năm 2012), xóm “Việt kiều” ở ấp Tà Dơ chỉ có 4-5 hộ nhưng đến nay đã có khoảng 100 hộ với hơn 1.000 người sinh sống. Ở 100 hộ này, tìm đỏ mắt không thấy một căn nhà kiên cố mà là những lều, trại được dựng lên tạm bợ bằng tre, nứa và những tấm bạt. Chỉ cần cơn gió nhẹ thổi đến, tổ ấm nhỏ của họ lại oằn mình như muốn đổ ập xuống.

Người dân quanh đây vẫn quen gọi là xóm “Việt kiều” bởi họ là những người Campuchia gốc Việt hồi hương. Không quốc tịch, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, không giấy khai sinh, nhiều người trong số cả ngàn “Việt kiều” này cũng chẳng biết họ sinh ra ở đâu, bao nhiêu tuổi. Họ chỉ biết, ngay từ khi sinh ra đã là người Campuchia gốc Việt, sống ven Biển Hồ (Campuchia), mưu sinh bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ trên ghe.

Ở đó, họ cũng không quốc tịch, không vốn liếng nên cuộc sống mưu sinh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, con cái chẳng được đến trường đầy đủ như bao đứa trẻ cùng lứa tuổi, có chăng là vào những lớp học cộng đồng. Khổ quá, họ lại quay ngược về quê nhà, mong rằng hồi hương sẽ thay đổi số phận của mình. Vậy nhưng, với hai bàn tay trắng, lại không quốc tịch, không hộ khẩu nên cuộc sống của họ cũng chẳng khấm khá hơn. Họ tiếp tục nghề “đi giỏ” (chài lưới), người mới về không có ghe thì “đi bạn” (đi đánh cá chung).

Đôi mắt sâu hõm, gương mặt hốc hác, ngồi bế đứa con vừa tròn 1 tuổi, bên cạnh là đứa 4 tuổi mặt đen nhẻm, gầy guộc, chị Nguyễn Thị Đẹp nhìn xa xăm kể: “Vợ chồng tui mới về được 2 năm, chồng đau ốm triền miên chẳng làm được gì. Thi thoảng “đi bạn” nhưng không đủ ăn. Dù sao, về đây vợ chồng tui cũng được cô bác hỗ trợ gạo, mì ăn qua ngày nên còn hi vọng sống hơn là ở bển (PV: ở Campuchia)”. Nhìn vào túp lều xiêu vẹo chưa đầy 8m2 của chị Đẹp, tài sản trong nhà ngoài bộ bát đĩa đã sứt mẻ gần hết và cái bình điện thì chẳng còn thứ gì đáng giá trị. Đến cái tủ treo quần áo cũng chẳng có, chị treo tạm bợ vài bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát bên cạnh túp lều.

Kế bên lều chị Đẹp là lều vợ chồng chị Phan Thị Mai, trông cũng chẳng khấm khá gì hơn dù đã hồi hương được 7 năm, chồng chị Mai lại khỏe mạnh đi thả lưới thường xuyên. Chị Mai kể: “Vì không có giấy tờ gì nên vợ chồng tui chẳng xin được việc ở công ty, chỉ đi thả lưới đánh bắt cá sống qua ngày. Ngày nào hên thì còn có cá đem ra chợ bán, ngày nào mưa gió thì nhà cũng chẳng có cá mà ăn, nên nghèo vẫn cứ nghèo…”.

Tương lai mịt mù

Cái nghèo, cái đói thường đi liền với việc không được học hành tử tế, không được mở mang kiến thức. Vì vậy, nhiều đứa trẻ dù đã lớn mà vẫn trần truồng chạy nhảy quanh xóm, chẳng biết đến giáo dục giới tính là gì?

Trong những túp lều được dựng tạm bợ, các “Việt kiều”  này dường như vô sản
Các hộ dân người Campuchia gốc Việt đang sinh sống vùng Biển Hồ – Campuchia ngày càng khó khăn, nhiều trẻ đến độ tuổi đi học không được đến trường. Tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 1.200 hộ với khoảng 6.000 nhân khẩu là “Việt kiều” Campuchia.

Giữa cái nắng chói chang, ba mẹ con chị Võ Thị Luyến ngồi ôm nhau trên túp lều khoảng 5m2 chờ ba đi thả lưới về. Trời nắng chang chang lại đứng gió, mồ hôi nhễ nhại trên vai áo sờn rách của ba mẹ con nhưng nhà làm gì có quạt để bật cho mát, mà có đi nữa thì cũng lấy điện ở đâu để sử dụng, ngay cả cái bình điện để thắp sáng tối tối chị cũng phải dùng tiết kiệm. Chị tâm tư: “Ở đây mọi sinh hoạt, ăn uống đều nhờ vào nước hồ Dầu Tiếng. Trẻ con thì chiều ra hồ tắm, phụ nữ phải chờ đến tối mới dám ra”. Đời sống sinh hoạt khổ là vậy, cuộc sống vật chất lại càng khổ hơn, chị có hai đứa con, một đứa 8 tuổi, một đứa mới lên 5 nhưng không có đứa nào được đi học. “Tiền ăn không có lấy đâu ra đóng tiền học cho con” (chị Luyến chua chát nói).

Ông Nguyễn Thịnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để các em được đến trường. Không hộ tịch, không giấy tờ tùy thân nhưng công an đã cấp giấy tạm trú, chỉ cần có giấy này là mọi trẻ em đều được đến trường. Tuy nhiên, ngân sách địa phương không nhiều, cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn nhờ vào các mạnh thường quân. Hơn nữa, nhiều em tạm trú chỉ một vài tháng, sau đó lại theo cha mẹ về Campuchia sinh sống. Vì vậy, không phải tất cả trẻ người Campuchia gốc Việt hồi hương đều may mắn được đến trường”.

Những đứa trẻ nay đây mai đó phiêu bạt cùng cha mẹ rồi không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu. Còn những đứa trẻ may mắn hơn được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi đến trường nhưng liệu tương lai có thay đổi hay không khi cuộc sống các em vẫn còn quá bấp bênh?

Bài, ảnh: Minh Châu

Kỳ tới: Đường đến trường lắm nỗi lo âu!

Bình luận (0)