Kết quả thực hành nghiệp vụ sư phạm của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cao (tới trên 94% đạt từ 8,5 điểm trở lên) nhưng vẫn còn một bộ phận khi xuống trường phổ thông lại thụ động, lo làm việc riêng.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị |
Thực trạng này được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết thực hành nghiệp vụ sư phạm năm học 2016-2017 do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa tổ chức. Vấn đề thực tập sư phạm gắn với tuyển dụng tại trường phổ thông cũng được đề cập nhiều tại hội nghị.
Chưa toàn tâm toàn ý
Năm học 2016-2017, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trương mở rộng để trong quá trình thực hành nghiệp vụ sư phạm, sinh viên tiếp cận được nhiều môi trường giáo dục khác nhau từ công lập đến ngoài công lập hay các vùng miền. Cụ thể, sinh viên có 12 tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và 10 tuần thực tập sư phạm tại cơ sở.
Qua đợt thực hành nghiệp vụ sư phạm, sinh viên đã nắm cơ bản yêu cầu cụ thể về công việc của người giáo viên ở trường phổ thông. Theo đó, ngoài nội dung thực hành kỹ năng giảng dạy, sinh viên còn tham gia coi thi, học làm các sổ sách, tổ chức những hoạt động giáo dục khác. Năm nay, các em cũng đã quan tâm nhiều hơn đến yêu cầu phương pháp dạy học, sử dụng phương tiện dạy học. Tuy nhiên, sinh viên lại chưa chuẩn bị chu đáo một số kỹ năng sư phạm cần thiết như: chữ viết chưa đúng quy cách, trình bày bảng tùy tiện, phát âm nhỏ, sử dụng từ địa phương…
Đáng nói, theo đánh giá của nhà trường, ý thức trách nhiệm một bộ phận sinh viên chưa cao, một số em chưa quan tâm bảo quản, tiết kiệm tài sản chung; chưa chủ động hỗ trợ nhân viên trường một số công việc chung. Nhiều giáo viên hướng dẫn than phiền sinh viên trẻ thời nay bàng quan, kiệm lời. Một số sinh viên trong thời gian rèn luyện nghiệp vụ sư phạm lại đi làm việc riêng, coi việc riêng là chính nên chỉ “tranh thủ” đến trường và còn yêu cầu nhà trường hoặc giáo viên hướng dẫn cung cấp số liệu với lý do ngày mai em… bận việc.
ThS. Huỳnh Công Ba (Trưởng phòng Công tác chính trị – học sinh, sinh viên nhà trường) chỉ ra thêm, sinh viên còn thụ động, chưa toàn tâm toàn ý trong thực hành nghiệp vụ sư phạm. Các em vừa thực hành nghiệp vụ sư phạm tại trường phổ thông vừa lo việc gia đình, lo đi dạy thêm… Bên cạnh đó, ông Ba cho rằng, không nên tiếp tục để sinh viên vừa rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tại trường phổ thông vừa trở về học các học phần ở trường ĐH, gây ảnh hưởng đến chất lượng.
Bà Quỳnh Châu (Trưởng bộ môn tâm lý học giáo dục, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng đề nghị nên tổ chức cho sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tập trung thay vì dàn trải hết 12 tuần. Thực tế hiện nay trường yêu cầu sinh viên rèn luyện nghiệp vụ vào 2 ngày trong tuần, nhưng có giáo viên hướng dẫn lại nhờ các em coi lớp giùm vào những ngày khác. Sinh viên đứng vào thế khó, đành phải xin nghỉ học ở trường ĐH để đi coi lớp.
Theo báo cáo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đợt thực hành nghiệp vụ sư phạm năm học 2016-2017 có trên 94% sinh viên đạt điểm A (từ 8,5 trở lên) nhưng cũng có 6 sinh viên bị kỷ luật; trong đó, 2 sinh viên bị đình chỉ, 4 sinh viên bị khiển trách. |
Đồng quan điểm, một đại diện Ban chủ nhiệm Khoa Sinh học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh thêm, nên để sinh viên tập trung toàn bộ thời gian hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong 4 hoặc 5 tuần thay vì các em cứ chạy lên chạy xuống 2 nơi. Nhất là khi vào năm thứ 3, trường ĐH bố trí rất nhiều học phần liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ trong đó có cả phương pháp giảng dạy. Dù trường ĐH quy định sinh viên đi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm vào 2 buổi (thứ hai, thứ bảy) trong tuần nhưng thực tiễn ở trường phổ thông rất khác. Nhiều hoạt động trường phổ thông giao cho sinh viên, nếu các em không hoàn thành thì bị đánh giá thiếu tích cực nhưng khi tham gia thì phải nghỉ học dễ hổng kiến thức. “Có sinh viên vắng tới 6/10 buổi học để tham gia rèn nghiệp vụ sư phạm, hổng rất nhiều kiến thức, liệu có đủ năng lực chuyên môn giảng dạy sau này trong khi chuyên môn rất quan trọng, nghiệp vụ có thể rèn, nhưng chuyên môn hổng rất khó”, đại diện này nói.
Thực tập sư phạm gắn với tuyển dụng
ThS. Lê Thành Thái (Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đặt vấn đề gắn công tác thực hành nghiệp vụ sư phạm với định hướng việc làm của sinh viên, nhu cầu tuyển dụng giáo viên phổ thông. Theo ông Thái, việc thực tập của sinh viên sư phạm từ trước đến nay hầu như chưa thông qua khâu sơ tuyển, liệu có trường phổ thông nào mạnh dạn đứng ra sơ tuyển hồ sơ của sinh viên trước khi nhận thực tập? Và xuyên suốt quá trình nhận thực tập đó, trường phổ thông vừa theo dõi, vừa chỉ việc, nếu kết quả thực tập của các em tốt sẽ nhận tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Ông Thái cũng cho rằng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nên dựa trên nhu cầu tuyển giáo viên của trường phổ thông để hướng sinh viên về thực tập.
Về vấn đề này, ThS. Huỳnh Công Ba cũng thông tin cho hay đại diện một trường phổ thông ngoài công lập vừa đặt vấn đề sẵn sàng tạo điều kiện cho 300 sinh viên sư phạm về thực tập, thậm chí cấp học bổng cho các em và sau đợt thực tập sẽ tuyển dụng 100 sinh viên.
TS. Dương Thị Hồng Hiếu (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ, thực tế những năm gần đây các trường phổ thông cũng có đặt hàng với Phòng Đào tạo nhà trường về nguồn sinh viên thực tập và tuyển dụng. Trường cũng làm việc với các khoa có liên quan để chọn sinh viên theo yêu cầu của những đơn vị giáo dục này, ưu tiên các em thực tập tại những địa chỉ có nhu cầu tuyển dụng để các trường thuận tiện dõi sát, lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, việc này chưa truyền thông rộng rãi, sắp tới, trường sẽ đẩy mạnh thông tin nhiều hơn đến các trường phổ thông.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)