Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phổ cập bơi lội: Cần có lộ trình, hướng dẫn cụ thể

Tạp Chí Giáo Dục

Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2016-2017, các trường ưu tiên dạy bơi cho học sinh (HS); phấn đấu đến năm 2020, 100% HS phổ thông biết bơi. Trước chủ trương này, các trường mong muốn cần có một lộ trình, hướng dẫn cụ thể bởi việc dạy bơi hiện còn không ít khó khăn.

HS Trường Tiểu học Đề Thám (Q.11) khởi động trong giờ học bơi

Những cách phổ cập hiệu quả

Từ tháng 10 năm học này, toàn bộ HS khối lớp 3 (công lập và ngoài công lập) trên địa bàn Q.Gò Vấp sẽ được học bơi miễn phí tại các hồ bơi của Trung tâm Văn hóa, Nhà Thiếu nhi quận hay hồ bơi khác trên địa bàn.

Trên thực tế, việc HS khối lớp 3 học bơi miễn phí đã được UBND Q.Gò Vấp thực hiện trong giai đoạn 2013-2015. Mục đích nhằm trang bị kỹ năng bơi cho các em đồng thời tháo gỡ khó khăn về kinh phí và thiếu hồ bơi cho các trường. Mỗi khóa học kéo dài khoảng 11 buổi, HS được dạy phương pháp tự làm nổi trên mặt nước, dạy biết bơi cơ bản một trong 2 kiểu bơi trườn sấp hoặc ếch. Sau khóa học các em được cấp giấy chứng nhận. Kết quả là hầu hết HS từ khối lớp 3 trở lên đều biết bơi.

Cách làm này cũng được UBND Q.1 thực hiện nhiều năm nay đối với HS khối lớp 3 tại các trường trên địa bàn quận. Kết quả đạt được rất cao, gần 100% HS khối lớp 3 trở lên đều biết bơi.

 “Chương trình phổ cập bơi hiện không có những hướng dẫn, quy định cụ thể đã gây khó khăn cho các trường. Đơn cử công tác xã hội hóa, thu chi liên quan đến thỏa thuận thế nhưng khi thanh tra, kiểm tra dễ xảy ra rắc rối, dĩ nhiên khiến các trường e ngại”, ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) chia sẻ.

Không phải tất cả các trường tiểu học ở thành phố đều may mắn nhận được sự hỗ trợ từ UBND quận, tuy nhiên, để HS không phải… mù bơi, nhiều trường đã tìm cách hợp tác với hồ bơi bên ngoài bằng hình thức xã hội hóa. Tại Trường Tiểu học Đề Thám (Q.11), vào mỗi đầu năm học nhà trường tiến hành rà soát HS từ khối lớp 1 đến khối lớp 5 – em nào đã biết bơi và chưa biết bơi. Theo đó, những HS chưa biết bơi có thể đăng ký học bơi, dựa vào đây, trường tiến tới hợp tác với hồ bơi Phú Thọ để dạy cho các em. Mỗi năm có khoảng 150 HS chưa biết bơi tham gia khóa học (HS được tập hợp làm 3 lớp di chuyển đến hồ bơi bằng xe đưa rước). Cô Phạm Thị Phương Thảo (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, học phí mỗi khóa 220 ngàn đồng/HS, thời gian khoảng 6 tuần, mỗi tuần học 2 buổi. Các em được trang bị kỹ năng xuống nước an toàn và biết tối thiểu kiểu bơi ếch. Kết quả là hầu hết HS lên lớp 2 đều biết bơi.

Cô Phương Thảo cho rằng việc tổ chức dạy bơi cho HS trong trường đạt được kết quả cao là nhờ công tác xã hội hóa. Nhà trường đã tích cực vận động, tuyên truyền phụ huynh hiểu được lợi ích cấp thiết của bơi lội nên nhiều phụ huynh ủng hộ đóng tiền cho con tham gia.

Trường gặp khó vì không có quy định cụ thể

Năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường ưu tiên, khuyến khích giảng dạy bơi cho HS bằng hình thức chính khóa hoặc ngoại khóa. Ngành giáo dục sẽ tham mưu cho các địa phương xây dựng hồ bơi tại trường. Ngoài ra, sở cũng khuyến khích các trường tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư xây dựng hồ bơi với quy mô phù hợp, phục vụ việc dạy bơi cho HS. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu trên, nhiều trường cho rằng Sở GD-ĐT mới chỉ đưa ra chủ trương chung mà không có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, các trường đang đối diện với khó khăn về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn chuyên môn mà chưa được tháo gỡ.

Thầy Phạm Minh Lực (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đề Thám, Q.11) cho biết hầu hết các trường không có hồ bơi nên phải hợp đồng với hồ bơi bên ngoài, phụ thuộc phần lớn vào sự sắp xếp thời gian của chủ hồ. Nếu không sắp xếp được thời gian thì cũng không thể tổ chức dạy bơi cho HS. Về phía HS, các em phải học ngoài giờ vì trong chính khóa không có thời gian. Về công tác chuyên môn, không phải trường nào cũng có giáo viên có kỹ năng về bơi lội, thậm chí có giáo viên… không biết bơi.

Nâng cao kỹ năng dạy bơi cho đội ngũ giáo viên

Ngày 17 và 18-9 tới, tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) sẽ tổ chức lớp tập huấn bơi an toàn cho giáo viên các trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. Mục đích nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy bơi và phương pháp cứu đuối cho đội ngũ giáo viên dạy thể dục (đã biết bơi tối thiểu 50m, có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy). Qua đó tăng cường công tác giáo dục phòng tránh tai nạn, thương tích và đuối nước cho HS. Nội dung tập huấn là kiến thức an toàn dưới nước; phương pháp dạy bơi an toàn cho trẻ em; các phương pháp cứu đuối và sơ cấp cứu người bị nạn…

N.T

Theo thầy Lực, trang bị kỹ năng bơi cho HS là hết sức quan trọng, tuy nhiên mỗi trường đang… tự bơi trong cách làm. Cần phải có lộ trình, phải có sự tham gia nhiều phía: Sở GD-ĐT, UBND TP và sự hỗ trợ từ các trung tâm TDTT. Theo đó, Sở GD-ĐT phải có hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện: giờ dạy học, kỹ năng, người tham gia giảng dạy, giám sát, kinh phí hỗ trợ… phải ra sao. Nên chăng phải có sự ràng buộc, cam kết giữa nhà trường và phụ huynh vì nhà trường muốn làm nhưng phụ huynh không đồng tình cũng không thể làm được.

Ông Ngô Văn Tuyên (Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân) cũng chia sẻ, không có những hướng dẫn, quy định cụ thể đã gây khó khăn cho các trường. Đơn cử công tác xã hội hóa, thu chi liên quan đến thỏa thuận thế nhưng khi thanh tra, kiểm tra dễ xảy ra rắc rối, dĩ nhiên khiến các trường e ngại.

“Với chủ trương hiện nay, chỉ đứng ra hô hào thì khó có thể đạt mục tiêu phổ cập bơi lội: từ nay đến năm 2020, 100% HS phổ thông biết bơi. Cần phải có sự thay đổi, hợp tác từ nhiều phía. Cơ chế đưa ra phải thực hiện nhanh, tránh sự chậm trễ”, ông Tuyên góp ý.

Trinh Ngọc

Bình luận (0)