Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ghi nhớ có chủ định qua trò chơi học tập

Tạp Chí Giáo Dục

Trò chơi học tập (TCHT) là loại trò chơi giúp trẻ nhớ lại và nhận lại các sự vật, hiện tượng đã nhìn thấy trước đây hay những tri thức đã được học dưới dạng biểu tượng.

Trẻ mầm non đang chơi trò làm bác sĩ (ảnh minh họa). Ảnh: B.Vân

TCHT gắn liền với học tập của trẻ mầm non, nhờ đó kiến thức của trẻ thêm chính xác và phong phú; giúp trẻ tích lũy kinh nghiệm cảm tính và rèn luyện các thao tác tư duy, phát triển các quá trình nhận thức đặc biệt là quá trình ghi nhớ có chủ định.

Hiện nay ở nhiều trường mầm non, TCHT chưa được khai thác và đầu tư đúng mức. Các TCHT đơn điệu, nghèo nàn làm cho trẻ không thích. Trẻ chỉ có hứng thú khi TCHT sinh động và được tổ chức bài bản. Bên cạnh đó nếu việc tổ chức TCHT của giáo viên còn cứng nhắc thì sẽ làm mất đi tính hấp dẫn vốn có của nó. Do đó tác dụng giáo dục cũng bị giảm sút. Dựa trên kết quả nghiên cứu thực trạng và cơ sở lý luận về biện pháp tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ ở trường mầm non và đặc điểm tâm sinh lý, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp tổ chức TCHT nhằm phát triển ghi nhớ có chủ đích cho trẻ 5-6 tuổi như sau:

Biện pháp 1. Xây dựng môi trường chơi đa dạng, hấp dẫn và mang tính phát triển. Biện pháp này nhằm đáp ứng khả năng chơi của trẻ trong hiện tại, tương lai và phát triển hoạt động chơi cho trẻ. Không chỉ tạo ra hứng thú, môi trường chơi có sức hấp dẫn còn giúp trẻ chủ động tích cực tham gia vào các trò để cố gắng ghi nhớ nội dung và tái hiện trong khi chơi.

Biện pháp 2. Lập kế hoạch tổ chức chơi cho trẻ. Đây là văn bản xác lập nhiệm vụ và cách thức tác động mà giáo viên dự kiến sẽ thực hiện để phát triển khả năng ghi nhớ có chủ định của trẻ trong các trò chơi cụ thể. Không chỉ đảm bảo tính khả thi, kế hoạch tổ chức được lập ra còn khắc phục được bệnh hình thức trong giáo dục mầm non mà một vài cá nhân và đơn vị còn mắc phải.

Biện pháp 3. Tạo ra những tình huống chơi mang tính có vấn đề và tạo sự tập trung, hứng thú cho trẻ. Tình huống chơi tạo ra sự hấp dẫn của trò chơi, thỏa mãn nhu cầu nhận thức của trẻ, kích thích trẻ tìm tòi. TCHT càng có nhiều tình huống thì sẽ gây ấn tượng mạnh đối với việc ghi nhớ có chủ đích của trẻ.

Biện pháp 4. Tăng cường tổ chức cho trẻ được chơi với các loại TCHT dưới nhiều hình thức chơi khác nhau. Đó là các hình thức: cá nhân, theo nhóm, tập thể lớp để hình thành và phát triển mọi kỹ năng chơi của trẻ, giúp trẻ tự nhớ cách chơi, luật chơi, nội dung chơi. Trẻ sẽ mau chán nếu hình thức chơi đơn điệu, nhàm chán, không có gì đổi mới.

Biện pháp 5. Tham gia trò chơi của trẻ bằng cách kết hợp các biện pháp dùng lời, biện pháp trực quan và thực hành trong quá trình tổ chức cho trẻ chơi. Các biện pháp được kết hợp giúp trẻ nghe, quan sát, làm quen với các hiện tượng, sự việc và những đồ vật khác không chỉ bằng mắt, bằng tai mà còn cảm giác sờ mó bằng đôi tay. Trò chơi nào huy động được nhiều giác quan thì trẻ sẽ thích thú và ghi nhớ được nhiều hơn.

Biện pháp 6. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả chơi và điều chỉnh kế hoạch chơi cho trẻ. Không chỉ nhằm xác định kết quả, đánh giá còn là một phương pháp giáo dục có hiệu quả. Nó vừa là khâu cuối vừa là bước khởi đầu cho quá trình sư phạm tiếp theo. Từ đó giáo viên có thể xác định được chất lượng hiệu quả của những biện pháp sử dụng, phát hiện những thiếu sót và tồn tại của chúng để từ đó điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm ghi nhớ có chủ định của trẻ.

Việc tìm ra các biện pháp phù hợp như trên nhằm khắc phục những hạn chế là nghiên cứu ứng dụng các biện pháp tổ chức TCHT cho trẻ một cách hợp lý của giáo viên ở các trường mầm non nhằm phát triển năng lực ghi nhớ có chủ định của trẻ 5-6 tuổi trong hoạt động này.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tâm
(Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Bình luận (0)