Con trai thì cho đi học tới nơi tới chốn, con gái là con người ta, học làm gì cho tốn kém rồi đằng nào cũng lấy chồng ẵm con. Chắc chắn mọi người sẽ công kích suy nghĩ cổ hủ này vì đây là một quan niệm quá lệch lạc, quá cũ kỹ trong một xã hội năng động và tiến bộ như ngày nay. Đúng mà cũng không đúng. Ngày nay, không còn phải đau lòng hát “lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn”, cũng không có chuyện “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” nhưng có một thực tế là ở thôn quê, vẫn còn tình trạng con gái dù học giỏi vẫn bị gia đình cho thôi học sớm. Và chuyện gì sẽ xảy ra, đương nhiên gái lớn thì sẽ lấy chồng, bồng con…
Tối đêm kia, có cô bé học trò tới thăm cô giáo – là tôi – bệnh. Trò hỏi han bệnh tình của cô, cô giáo hỏi thăm chuyện trò chuẩn bị gì cho năm học mới. Cô trò vui vẻ trò chuyện nhưng khi tôi hỏi chuyện đã chuẩn bị thế nào cho năm học mới thì cô học trò cụp mặt xuống liền, trả lời bằng giọng buồn rầu: “Dạ! Em sẽ không đi học nữa!”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Em không muốn học nữa?”. “Là mẹ không cho em đi học nữa. Mẹ nói con gái học chi cho nhiều!”, cô học trò trả lời.
Cô học trò nói xong thì vội vã xin phép ra về, tôi thấy cô bé xúc động sắp khóc rồi. Cô học trò về rồi, tôi trăn trở. Cô bé đang tuổi ăn tuổi học. Em học không xuất sắc nhưng thuộc diện khá giỏi. Năm học vừa rồi, em hoàn thành chương trình THCS mà giờ lại kêu mẹ cho nghỉ học. Em cao lớn phổng phao, gương mặt khả tú. Hồi cuối năm học, nghe nhiều học sinh trong lớp “mật báo” là em đã biết yêu rồi, học hành có vẻ chểnh mảng tôi đã thấy lo nên nói với mẹ em nhẹ nhàng khuyên nhủ, định hướng chuyện em để “rung động đầu đời” làm ảnh hưởng đến việc học. Giờ lại nghe tin mẹ em không cho đi học nữa, tôi đau lòng nghĩ đến một tương lai không xán lạn phía trước…
Tôi hỏi thăm học trò và cũng tìm được nhà em. Vì đêm đó em có nói với tôi “mẹ bảo đi học cấp 3 tốn kém lắm nên biểu nghỉ” thế là trong suy nghĩ của tôi, chắc nhà em kinh tế khó khăn, cũng ngại hỏi thẳng em nên tôi tự tìm hiểu. Vì thực tâm tôi muốn em lại tiếp tục đến trường, nếu chẳng may gia đình em khó khăn thì sẽ kêu gọi sự ủng hộ từ phía nhà trường, từ nguồn quỹ “Tiếp bước cho em đến trường”. Nhưng rồi tôi đã sững người khi biết nhà em không giàu có xênh xang nhưng cũng không nghèo nàn túng bấn. Với ngôi nhà như thế, ba mẹ trẻ khỏe như vậy thì một cô con gái học THPT không thể là gánh nặng kinh tế được.
Năm học đã bắt đầu. Cô học trò nhỏ đã không đến trường chỉ vì lí do mẹ bảo đi học tốn kém rồi đằng nào cũng lấy chồng ẵm con.
Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên)
Bình luận (0)