Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chợ tự phát: Càng dẹp càng… phát

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi các ngành chức năng đang ra sức dẹp chợ tự phát thì chợ tự phát vẫn mọc như nấm sau mưa. Tại một số địa phương, chợ tự phát là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và là điểm tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm kém chất lượng, không nguồn gốc.

Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè phải “cắm” lực lượng tại chỗ để dẹp chợ tự phát lấn chiếm lòng đường

Dễ dàng nhận thấy quận, huyện nào cũng có chợ tự phát, tập trung nhiều nhất là tại các khu dân cư mới – nơi có đông người lao động thu nhập thấp.

Chẳng hạn như huyện Nhà Bè. Mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong công tác dẹp lòng lề đường, điểm kinh doanh tự phát tuy nhiên dẹp chỗ này lại xuất hiện chỗ khác. Thậm chí, chợ chỉ tạm ngưng họp khi có sự xuất hiện của công an địa phương. Ghi nhận của phóng viên vào sáng 13-9 tại ấp 5 xã Phước Kiển, địa phương phải bố trí lực lượng “cắm” tại chỗ thì giao thông trên khu vực mới thông thoáng. Bà Ngô Thị Mỡ, người sống ở đây cho biết, vào giờ cao điểm, chợ này mà họp thì cầu Rạch Đỉa 1 không thể lưu thông.

Chợ Nhơn Đức luôn trong cảnh đìu hiu

Tương tự, tại chân cầu Rạch Dơi (nối xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), chợ tự phát phục vụ công nhân và người lao động trên địa bàn cũng nhộn nhịp chẳng kém. Điều đáng nói là chợ Nhơn Đức được xây mới khang trang và đi vào hoạt động hơn một năm nay nhưng không hiệu quả và có nguy cơ phải đóng cửa. Đến thời điểm này, chợ chỉ có một vài hộ kinh doanh thuê ki-ốt trong lồng chợ, còn lại một số người thuê mặt bằng phía trước để bán quần áo, hàng ăn uống. Giải thích vì sao chợ luôn trong cảnh đìu hiu, một tiểu thương cho biết: “Chẳng mấy ai ghé vào đây để mua bó rau, con cá. Họ mua ở chợ tự phát tiện hơn, giá lại rẻ hơn”.

Tại Q.Phú Nhuận, nhiều năm nay, người dân ngụ đường Nguyễn Công Hoan (P.7) luôn miệng kêu trời vì chợ tự phát lấn chiếm cả mặt đường có chiều rộng rất khiêm tốn – chừng 3 mét. “Chợ họp án ngữ trước cửa nhà, mùi nước rửa cá tôm tanh tưởi không thể chịu được. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh của người mưu sinh, song việc ồn ào, gây ô nhiễm là không thể chấp nhận được”, bà Nguyễn Thị Vân ngụ tại đây cho biết.

Chợ họp tràn xuống lòng đường

Trên đường Huỳnh Đình Hai, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Văn Kỷ, Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh) tình hình cũng vậy. Chợ tự phát họp kín cả mặt đường vào buổi sáng sớm khiến lưu thông qua lại hết sức khó khăn. Đặc biệt là chợ tự phát trên đường Hoàng Hoa Thám – chợ bán từ sáng sớm đến 8-9 giờ tối mới tan. Ông Nguyễn Văn Hải, cán bộ hưu trí P.5, Q.Bình Thạnh bức xúc: “Bất kỳ cuộc họp nào từ tổ dân phố đến quận, chúng tôi đều nhắc đến sự tồn tại vô lý của các chợ này và yêu cầu khẩn thiết việc dẹp bỏ. Tuy nhiên, không có kết quả”.

TS. Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, chợ tự phát tạo điều kiện cho người lao động không nghề nghiệp, ít vốn có thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình. Tuy nhiên, chợ tự phát cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong khi đó, chuyên gia tài chính, giảng viên Vũ Gia Hảo (TP.HCM) lo ngại sự công bằng đối với cá nhân, hộ kinh doanh trong chợ, khó khăn trong công tác quản lý, quy hoạch và đặc biệt là thất thoát một lượng tiền thuế không hề nhỏ.

Biện pháp tuyên truyền, xử phạt như đặt biển cấm, băng rôn thể hiện sự quyết tâm của chính quyền, tuy nhiên nỗ lực dẹp chợ tự phát không hiệu quả…

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)