Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết thu hoạch để làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Vào dịp hè, trong khoảng thời gian tháng 7, tháng 8, ngành giáo dục ở các địa phương thường tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên (CB-GV-NV) của trường học. Mục đích việc học tập này là tốt vì xác lập lại quan điểm, tư tưởng, lập trường và định hướng nhiệm vụ giáo dục của người làm công tác giáo dục trong năm học mới. Thế nhưng, hầu hết CB-GV-NV thấy việc học tập này còn có những cái chưa được.

Cái chưa được thứ nhất là chất lượng báo cáo viên. Tuy có định hướng nhưng hầu như báo cáo viên mới chỉ thông tin lại những sự kiện chính trị, xã hội đã xảy ra, đang xảy ra chứ chưa đi sâu vào việc phân tích để học viên được hiểu sâu hơn; cách thức lập luận, tính hùng biện của báo cáo viên chưa hấp dẫn nên không thuyết phục, thu hút được người nghe. Do đó hiệu quả không cao.

Thứ hai là việc viết bài thu hoạch. Việc viết bài thu hoạch này lại bằng tay nộp cho ban giám hiệu nhà trường. Việc viết bài thu hoạch này thật là vô bổ và lãng phí mà lại làm khổ cho CB-GV-NV vì lãnh đạo trường chẳng ai đọc nên không đánh giá, chẳng cho điểm, xếp loại. Và đây chính là một kiểu của bệnh hình thức cần phải triệt tiêu.

Hiện nay là thời đại của công nghệ thông tin, nên ai nấy hằng ngày đã đều cập nhật thông tin thường xuyên qua sách báo, đặc biệt là qua mạng. Vì vậy không chỉ nói lại sự kiện chính trị, xã hội đã qua và đang xảy ra mà phải tìm cách minh chứng, hóa giải những khúc mắc mà người học cần từ những sự kiện, chính trị xã hội đó một cách hấp dẫn, thuyết phục và có cách định hướng đúng về tư tưởng một cách khách quan để người làm giáo dục thấy tư tưởng mình thông thoáng mà tìm hướng giáo dục tốt trong năm học mới. Cho nên cần xem lại chất lượng đội ngũ báo cáo viên và bỏ ngay việc viết bản thu hoạch vô bổ, lãng phí, không cần thiết sau mỗi đợt học tập chính trị, pháp luật trong hè.

Nguyễn Văn Tú

Bình luận (0)