Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tìm đường cho tôm bơi xa

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 14-9, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì Hội nghị phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ. Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp… bàn những giải pháp để xây dựng ngành tôm phát triển bền vững, thành thương hiệu, sản phảm chủ lực quốc gia.

“Trị” không dứt kháng sinh, tạp chất

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay có 28 tỉnh nuôi tôm nước lợ với diện tích trên 664.150ha, sản lượng thu hoạch trên 344.160 tấn, chế biến xuất khẩu đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu đông lạnh.

Mặc dù con tôm được xem là ngành có tiềm lực quan trọng nhưng việc sản xuất và tiêu thụ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo thống kê từ đầu năm đến nay diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 55.000ha, tăng gần 38% so với cùng kỳ, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu tại các nhà máy.

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu nêu lên tại hội nghị và cũng là vấn đề “muôn thuở” của con tôm: dư lượng kháng sinh và nạn đưa tạp chất vào con tôm. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm nghiệp – thủy sản (Bộ NN-PTNT) xu hướng 9 tháng đầu năm tình trạng đưa tạp chất vào tôm tăng. Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… tái xuất hiện nạn đưa tạp chất vào tôm và tôm chế biến có tạp chất. Việc tôm bị dư lượng kháng sinh và chứa tạp chất bị trả lại đã gây thiệt hại lớn và phương hại uy tín tôm Việt Nam.

Người dân thu hoạch tôm ở Cà Mau

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tôm tiêm chích tạp chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín ngành tôm. “Tôi đề nghị xử lý nặng hành vi bơm, sử dụng tôm tạp chất, chế biến và xuất khẩu tôm tạp chất. Khi cần thiết phải xử lý hình sự để đủ sức răn đe vì tình trạng này đã xảy ra hơn 20 năm qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm”, ông Quang đề nghị.

Xây dựng con tôm là sản phẩm quốc gia

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chỉ ra những yếu kém, đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp để ngành tôm phát triển ổn định, nâng cao tính cạnh tranh. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng thế giới có nhu cầu cao đối với con tôm nhưng để làm được thì rất khó. Tôm Việt Nam chỉ khoảng 3,5 – 3,8 triệu tấn. Trước thực trạng này, ông Thắng đề nghị thay đổi cơ cấu đầu tư về hạ tầng thủy lợi nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt – Úc cho rằng, chất lượng tôm là một chuỗi hình thành từ tôm giống bố mẹ, tôm giống, quy trình nuôi, vùng nuôi, chế biến… “Vì sao Việt Nam chưa phải là đại công trường tôm và làm thế nào để tôm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia? Tôi đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT tạo điều kiện cho doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu tôm Việt Nam. 

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong chế biến và xuất khẩu tôm, ông Quang cho rằng khâu giống hiện nay còn kém, chưa có giống kháng bệnh. Về nuôi tỷ lệ còn cao, quá sức chịu tải môi trường, chưa có công nghệ nuôi tôm sạch nên dịch bệnh, kháng sinh làm tôm nhiễm khuẩn nên khó xuất khẩu sang thị trường khó tính. “Cần thay đổi tư duy cho con tôm theo hướng chất lượng sản phẩm đi đôi giá trị xuất khẩu. Nếu không sớm thay đổi tư duy quản lý và xuất khẩu, con tôm Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với các nước”, ông Quang nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo. Việt Nam là một trong 3 quốc gia bị ảnh hưởng lớn. Đây là một dư chấn lớn vừa là thách thức và cũng vừa là cơ hội. Trong đó, ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng là cơ hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐBSCL là vùng sản xuất tôm nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, khó quản lý, khó hình thành chuỗi giá trị và dễ tổn thương. Ngành tôm cũng chưa có hình thành chuỗi an toàn về giống, vùng nuôi, quy trình sản xuất. Vì vậy, làm hạn chế sức cạnh tranh. “Thời gian qua chưa đầu tư tương xứng, chưa tạo dựng thương hiệu quốc gia về ngành tôm Việt Nam. Vì vậy, để ngành tôm là hình ảnh, thương hiệu, sản phảm chủ lực quốc gia, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của bộ, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các địa phương rà soát, bổ sung, kiến nghị quy hoạch. Các địa phương cần huy động nguồn lực để phát triển ngành tôm Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.

Đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài, ông Cường đề nghị khi làm các đề tài khoa học tới đây cần tập trung vào sản xuất tôm giống sạch bệnh, chuỗi sản xuất giá trị tôm. Riêng, con tôm sú cần phải có nguồn gốc tại chỗ. Trước mắt là từ nay đến cuối năm phải kiểm soát được chất kháng sinh, lạm dụng kháng sinh và tạp chất vào tôm.

NGỌC CHÁNH/SGGP

 

Bình luận (0)