Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ghi nhớ trong sách ngữ văn chưa chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Ghi nhớ trong sách giáo khoa là văn bản mẫu mực về mọi mặt từ nội dung, hình thức, đến cách thức trình bày… Tuy nhiên, hiện trong sách Ngữ văn các khối lớp vẫn còn nhiều “hạt sạn” cần phải sửa lại.

Theo một số giáo viên, hiện nhiều ghi nhớ trong sách ngữ văn cần được sửa lại cho chính xác (ảnh minh họa). Ảnh: A.K

Dư chữ, cụm từ

Ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, Ghi nhớ trang 68 tập 1: “Với hình thức diễn đạt cô đúc, dồn nén cảm xúc vào bên trong ý tưởng, bài thơ Phò giá về kinh đã thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần”, theo tôi, dư cụm từ “vào bên trong ý tưởng”. Bởi lẽ, theo nội dung ghi nhớ thì ý tưởng đó thực ra chính là: “hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần”. Vả lại, khi dùng cụm từ “vào bên trong ý tưởng” thì đòi hỏi giáo viên phải giảng giải cho học sinh biết cái gì “ở bên trong ý tưởng”, “ý tưởng là gì” thì thêm phần rắc rối, có khi giáo viên lại bí rị về chuyện giải nghĩa của nghĩa “vào bên trong ý tưởng” nữa là khác! Cho nên, để khỏi rối rắm, không đánh đố về ngôn ngữ, nên chăng phần ghi nhớ ở trên có thể ghi lại như sau: “Với hình thức diễn đạt cô đúc, dồn nén cảm xúc, bài thơ Phò giá về kinh đã thể hiện hòa khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần”.

Ghi nhớ 1 trang 73 tập 1: “Văn bản biểu cảm là văn bản viết ra nhằm biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm nơi người đọc”, thì dư cụm từ “viết ra nhằm”. Bởi lẽ đã là văn bản thì đã “viết ra” rồi cần gì phải dùng từ “viết ra”; mặt khác mỗi văn bản đều có tính mục đích riêng thì cần gì phải dùng từ “nhằm” thêm dông dài. Do vậy, nên chăng, cần viết lại Ghi nhớ 1 như sau: “Văn bản biểu cảm là văn bản biểu đạt tình cảm, cảm xúc, sự đánh giá của con người đối với thế giới xung quanh và khêu gợi lòng đồng cảm đối với người đọc” sẽ làm cho ghi nhớ gọn, cô đọng hơn, và hàm xúc hơn khi có cụm từ “viết ra nhằm”.

Ghi nhớ trang 135 tập 1: “Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì với nhau”. Ở đây đã “khác xa nhau” thì rõ ràng sẽ không liên quan gì với nhau rồi nên cũng cần bỏ cụm từ “không liên quan gì với nhau”, vì để như thế vừa thừa, vừa làm ý thêm tản mạn. Nên chăng Ghi nhớ nên viết ngắn lại để dễ hiểu, dễ thuộc, lại gói ghém trọng tâm hơn như sau: “Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa khác xa nhau”.

Thiếu từ, thiếu dấu câu

Ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, Ghi nhớ 1 trang 121 tập 1: “Để tạo ý cho bài biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh, người viết có thể hồi tưởng kỷ niệm quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ ước tới tương lai, tưởng tượng những tình huống gợi cảm, hoặc vừa quan sát vừa suy nghĩ, vừa thể hiện cảm xúc” thì cần thêm chữ “văn” vào trước từ “biểu cảm” sẽ dễ chấp nhận hơn, khắc sâu kiến thức về kiểu văn biểu cảm cho học sinh hơn. Mặt khác, sau từ “quan sát” cần phải có dấu phẩy (,) mới đúng cách viết kiểu câu văn có bộ phận liệt kê hơn, đúng với ý đồ liền mạch trong cách diễn đạt hơn. Do vậy, nên chăng ghi nhớ có thể trình bày lại là: “Để tạo ý cho bài văn biểu cảm, khơi nguồn cho mạch cảm xúc nảy sinh, người viết có thể hồi tưởng kỷ niệm quá khứ, suy nghĩ về hiện tại, mơ ước tới tương lai, tưởng tượng những tình huống gợi cảm, hoặc vừa quan sát, vừa suy ngẫm, vừa thể hiện cảm xúc”.

Tương tự, ở sách giáo khoa Ngữ văn 6 tập 1, Ghi nhớ trang 56: “Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa”. Nên thêm vào từ “từ” vào sau từ “chuyển nghĩa” thì Ghi nhớ đỡ bị gợn, logic, trôi chảy và dễ hiểu hơn. Xin ghi lại như sau: “Chuyển nghĩa từ là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa”.

Với quan điểm dạy và học theo chương trình cải cách thì Ghi nhớ trong sách giáo khoa là kiến thức chính thống, cần và đủ, rất cơ bản, trọng tâm không chỉ để học sinh dễ hiểu, dễ học, nắm kỹ bài mà rất cần cho người thầy để họ hoạch định, định hướng cho cả quá trình soạn giảng. Ghi nhớ trong sách giáo khoa là văn bản mẫu mực về mọi mặt từ nội dung đến hình thức, đến cách thức trình bày, kiểu diễn đạt thành văn…; là “khuôn vàng thước ngọc”, là “tấm gương sáng” về việc tạo văn bản ở nhiều góc độ khác nhau cho thầy và trò trong quá trình dạy học. Chính vì vậy, người viết sách giáo khoa cần đặc biệt cẩn trọng, nghiêm khắc hơn khi trình bày phần Ghi nhớ để thầy – trò, bạn đọc và kể cả nhà nghiên cứu luôn thấy Ghi nhớ là văn bản mà mình cần học hỏi và luôn “ghi nhớ”. Đặc biệt Ghi nhớ càng ngắn gọn, chính xác, đầy đủ thông tin, súc tích, mẫu mực, khoa học sẽ giúp nhanh nắm bài và học bài dễ thuộc hơn.

Nguyễn Văn Tú
(Trường THCS Hòa Nhơn,
Hòa Vang, Đà Nẵng)

Bình luận (0)