Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một tiêu chí của người văn minh

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, đề tài sống có trách nhiệm (SCTN) đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia của các nhà tâm lý – giáo dục, của nhiều người quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ.

Ý thức sống có trách nhiệm của con người được hình thành qua rèn luyện hàng ngày trong cuộc sống. Trong ảnh: Học sinh Trường TH Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh) đang thực hiện bảng tin của lớp. Ảnh: N.Trinh

Lý do thật đơn giản: xã hội càng văn minh, trái đất càng “nhỏ bé” và ảnh hưởng của người này lên người khác (cả tốt lẫn không tốt) càng mạnh mẽ. Nhưng do thiếu hiểu biết về SCTN nên có người vô ý mà sống thiếu trách nhiệm, lại có người đang tìm cách “thể hiện” mình bằng những lời lẽ, hành động gây phản cảm lên người khác theo kiểu rẻ tiền, nhảm nhí, rất vô trách nhiệm. Chính vì vậy mà việc hiểu rõ SCTN là gì, thể hiện ra sao, hình thành như thế nào luôn giúp nhiều người, nhất là giới trẻ, hành xử đúng đắn trong thế giới văn minh hiện nay. Tôi thích câu giải thích ngắn gọn của một bạn đọc nói rằng trách nhiệm là điều phải làm (chứ không đơn thuần là “nên làm”), phải gánh vác hoặc nhận lấy về mình, nếu không sẽ nhận một hậu quả nào đó. Đúng là không ai, từ trẻ em đến người đã trưởng thành, từ thường dân đến quan chức được có thể tránh né trách nhiệm của mình. Chỉ có điều là từ hậu quả phải nhận lãnh ở đây thì không nhất thiết hiểu là chính người gây ra phải nhận lãnh mà có thể là người khác, thậm chí là thế hệ khác phải gánh chịu. Và bài học về hậu quả của bom nguyên tử, về hiệu ứng nhà kính… nhân loại sẽ không bao giờ quên.

1. SCTN luôn được thể hiện thông qua những mối quan hệ. Quan hệ với đối tượng nào? Quan hệ với môi trường xã hội – tự nhiên mà ta đang sống xung quanh và với… chính mình. Mối quan hệ với môi trường xã hội – tự nhiên là dễ thấy. Môi trường xã hội này đi từ hẹp đến rộng, bắt đầu từ người thân trong gia đình đến bạn bè, hàng xóm, đồng bào và người nước khác. Môi trường tự nhiên bắt đầu từ cái bàn học, cái giường của mình, ngôi nhà, mảnh ruộng, khoản vỉa hè nhà mình đến đường phố, đất đai, sông biển, khí quyển, vũ trụ… Mối quan hệ với chính mình thể hiện qua những điều ta vô tình hay cố ý làm, nói, viết, nghĩ ra… trong cuộc sống của mình, mối quan hệ này sâu kín hơn, khó thấy hơn. Người xưa có câu “cái căn bản của thiên hạ là quốc gia, căn bản của quốc gia là gia đình, căn bản của gia đình là bản thân”, vậy mà trong thực tế đời sống có người không dám đứng bằng “đôi chân” của mình, đang lẩn trốn chính mình, không dám chịu trách nhiệm về chính mình và gia đình mình. Có hộ nghèo, sau khi được Nhà nước giúp đỡ, được xóm làng công nhận thoát nghèo rồi thì nảy sinh thắc mắc sao hộ mình lại “bị” đưa ra khỏi diện nghèo. Hóa ra họ đang cố trốn trách nhiệm nuôi sống gia đình mình. Ngược lại có người sinh ra tật nguyền nhưng lại cương quyết đứng lên bằng ý chí của mình để sống không phụ thuộc vào người khác, lại còn sống có ích cho xã hội như Nick Vujicic, chàng trai lọt lòng đã thiếu tứ chi. Nelson Mandela – một nhà cách mạng người Nam Phi da đen đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc – đã bị nhà cầm quyền giam trong nhà tù suốt thời trai trẻ. Trong những dòng chữ ông viết trong tù, có đoạn nói rằng mỗi khi ông cảm thấy tuyệt vọng, không còn nơi nương tựa tinh thần thì ông lại quay về khai phá sức mạnh trong chính mình để vượt lên hoàn cảnh. Mandela sau này trở thành tổng thống được toàn thế giới kính trọng.

2. Ý thức, năng lực SCTN của con người được hình thành qua rèn luyện, học hỏi trong cuộc sống hàng ngày, học một cách chủ động và thụ động. Chính vì vậy mà khi bé còn nhỏ xíu, cha mẹ, ông bà nên tập cho bé biết tự lực, chịu trách nhiệm về chính mình. Một đứa bé tập đi bị ngã đau, khóc ré thì có người thân ôm dỗ dành cho nín bằng cách… đánh cái sàn nhà vì cái tội làm bé ngã đau. Lớn hơn, bé đi học bị điểm kém, thế là người nhà lại đổ cho lý do thầy cô “khó”. Vậy là người lớn đang vô tình dạy cho bé không chịu trách nhiệm về mình. Cứ dần dà như vậy ta đang hình thành nơi đứa bé thói quen đổ lỗi, đổ thất bại của mình cho hoàn cảnh. Lớn lên bé sẽ thành người hay đổ thừa người khác, trốn tránh trách nhiệm của bản thân.

Nhiều bậc cha mẹ vì thương con mù quáng mà giành làm hết mọi việc con lý ra phải tự làm, lấy cớ là “mình ráng thêm một chút, để con tập trung học tập”. Thay vì để đứa con góp sức dọn dẹp vệ sinh nơi học ở nhà và ở lớp, chúng ta đang “thuê” người làm thay cháu. Ta nào có ngờ rằng mình đang ươm hạt giống sống thiếu trách nhiệm với bản thân trong nhận thức của đứa con. Trong khi đó thì nhiều người (trong đó có cả tỷ phú) khi dạy con đã luôn khuyến khích con hãy tự lực và tập kiếm tiền từ bé để hiểu giá trị của đồng tiền, của lao động từ lúc nhỏ bằng cách “thuê” con đổ thùng rác nhà bếp, thu gom vật dụng cũ đem bán lấy tiền tích lũy tự sắm món quà sinh nhật, nếu thiếu thì cha mẹ phụ thêm. Bill Gates từ bé đã mê máy tính – một thứ vô cùng đắt đỏ và cồng kềnh thời đó – nên đã xin ông giám đốc của trung tâm y tế địa phương cho được làm quen với cỗ máy của trung tâm. Ông giám đốc đồng ý với 2 điều kiện: một là làm hư máy thì cha mẹ bán nhà mà đền; hai là máy chỉ rảnh từ nửa đêm đến 6 giờ sáng. Cha mẹ Bill Gates thấy con mê máy tính nên dù xót ruột vẫn cho phép đứa con trai 14 tuổi cứ nửa đêm thì thức dậy, bắt xe buýt đến trung tâm y tế địa phương để làm quen với máy tính, sáng 6 giờ trả máy, trở về nhà ngủ tiếp để rồi 9 giờ vào trường đi học như mọi trẻ khác. Các bậc cha mẹ Việt Nam đọc những điều này hẳn phải nhìn lại cách mình dạy con tính tự lực, quý trọng đồng tiền và thành quả lao động của mình và của người, dạy con tự chịu trách nhiệm với bản thân. Hiện nay dù đã thành người giàu nhất thế giới, Bill Gates đã không quên bài học tự lực xưa nên cũng đã dạy con mình theo hướng đó: ông đã quyết định dành hầu hết tiền của mình để lập quỹ từ thiện, chỉ dành cho con một số tiền nhỏ vừa đủ để lập nghiệp vì hiểu rằng chúng cũng phải như mọi người khác, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, phải lao động để tự kiếm sống.

3. Có bạn đọc viết rất đúng là “có hai từ trong cuộc sống khiến nhiều người sợ hãi lãng tránh, đó chính là trách nhiệm. Trách nhiệm với cuộc sống của mình, với những người thân, bạn bè và trong cả những mối quan hệ. Trong cuộc sống, nếu thiếu đi hai chữ trách nhiệm thì rất nhiều việc sai lầm cứ nối tiếp diễn ra mà không cần biết người khác sẽ tổn thương như thế nào!”. Vậy nên những ai sợ hãi lãng tránh trách nhiệm đều không đáng được sự kính trọng của người đời, cho dù núp sau bề ngoài đẹp đẽ cỡ nào, lời lẽ hoa mỹ cỡ nào, dù ngồi ghế “cao” cỡ nào bởi họ đang làm hại xã hội bằng cách nêu gương xấu. Người ta nói “gieo suy nghĩ – gặt hành động, gieo hành động – gặt thói quen, gieo thói quen – gặt tính cách, gieo tính cách – gặt số phận”. Các nhà tâm lý – giáo dục, các bậc cha mẹ và chính các em học sinh nữa hãy cố gắng bằng tấm gương sống của mình mà gieo suy nghĩ SCTN trong trường, trong nhà, ngoài đường… bởi xét cho cùng thì trách nhiệm là thứ mà không ai có thể thoái thác được. SCTN là tiêu chí để đánh giá con người văn minh.

TS. Hồ Thiệu Hùng

Bình luận (0)