Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sao vẫn mãi loay hoay?

Tạp Chí Giáo Dục

Đã từ lâu, những thay đổi trong giáo dục thường ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, đến gia đình, đến người dạy và cả người học. Và lúc nào cũng vậy, sự thay đổi của ngành giáo dục luôn nhận được những ý kiến đồng thuận cũng như ý kiến trái chiều. Sự tán thành của ý kiến đồng thuận giúp cho sự thay đổi khẳng định được đó là điều nên làm, sự phản bác của ý kiến trái chiều giúp hoàn thiện hơn sự đổi mới của giáo dục. Chỉ tiếc một điều là sự đổi mới giáo dục đang diễn ra trên đất nước ta làm cho mọi người quên mất đối tượng dạy và học mà chỉ tập trung vào thi cử. Điều này suy cho cùng cũng đúng thôi vì đa số những người trong xã hội đều có chung suy nghĩ là học để đi thi, để được công nhận có trình độ này, trình độ kia để dấn thân vào đời tìm chỗ đứng mà mưu sinh cho bản thân và gia đình. Có phải xuất phát từ nguyên nhân này mà ngành giáo dục liên tục đổi mới hình thức thi cử. Và sự đổi mới này làm cho phụ huynh đã quá nhọc nhằn vì cơm áo gạo tiền nuôi con lại thêm hoang mang, bất an không biết con em của mình sẽ ứng phó thế nào trước sự thay đổi xoành xoạch của vấn đề thi cử. Không dừng lại ở đó người thầy cũng hoang mang không biết mình dạy như thế nào đây cho học trò để đáp ứng những cách thi kiểu mới.

Có thể nói rằng, đổi mới là điều đương nhiên cần phải tiến hành của việc đề ra cách thi cử. Nhưng cái gì cũng vậy, đổi mới cũng cần có lộ trình và thời gian kiểm nghiệm. Ngành giáo dục của chúng ta luôn khẳng định không phải năm nào cũng đổi mới hoàn toàn mà cách làm năm sau chỉ nhằm hoàn thiện hơn năm trước. Cách lý giải khá hay, nhưng thực tế có như vậy không thì ai cũng biết. Đơn cử một trường hợp dễ thấy là nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khi đưa ra phương án “2 trong 1” đã khẳng định quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi được hoàn chỉnh sẽ được giữ ổn định đến năm 2021, còn bây giờ thì sao?

Bây giờ những người quan tâm đến chuyện thi cử của ngành giáo dục đều có chung suy nghĩ là giáo dục Việt Nam còn nhiều điều để thay đổi, mà chuyện thay đổi thi cử là câu chuyện cần phải bàn cho thấu đáo đừng cứ loay hoay mãi mà vẫn chưa có hồi kết.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Bình luận (0)