Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Để dạy văn miêu tả sinh động hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Khi dạy đến thể loại văn tả cây cối ở lớp 4, giáo viên và học sinh đều gặp nhiều khó khăn.

Theo nhiều giáo viên, bài văn tả cây cối của học sinh rất khô khan do chỉ liệt kê các bộ phận của cây như bài tự nhiên xã hội, bài khoa học (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Về phía giáo viên (GV), theo sách giáo khoa, phần tìm hiểu bài chỉ là hướng dẫn học sinh (HS) tìm hiểu những đoạn văn tả vài loại cây, rồi rút ra dàn bài chung. Dàn bài trong sách giáo khoa lớp 4 cũng chỉ có vài dòng đơn giản: “1.Mở bài: Giới thiệu cây sẽ tả. 2.Thân bài: Tả từng bộ phận của cây hoặc tả từng thời kì phát triển của cây. 3.Kết bài: Nêu ích lợi của cây, ấn tượng đặc biệt hoặc tình cảm của người tả với cây”. Sau đó là bước sang phần luyện tập thực hành. GV phải dạy thế nào để thu hút được HS và để khi bước sang phần thực hành các em có thể làm tốt được bài văn tả cây cối khi phần lý thuyết đơn giản và đơn điệu như thế.

Đối với HS, các em lại gặp khó khăn nhiều hơn bởi phần lý thuyết các em được học theo sách giáo khoa quá sơ sài chưa hiểu rõ thì đã sang phần thực hành. Để nhận biết những nét riêng của rễ, thân, cành lá, hoa, quả của mỗi loại cây đối với các em không phải là dễ dàng. Ích lợi, công dụng của từng loại cây không phải HS nào cũng biết, nhất là đối với những HS ở thành phố. Các em lại phải diễn đạt thành câu văn gợi tả. Muốn câu văn hay các em phải biết sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa. Chính vì thế, chúng ta khó tìm thấy một bài văn tả cây cối hay ở HS. Theo đó, bài văn tả cây cối thường được các em viết như là liệt kê các bộ phận của cây như bài tự nhiên xã hội, bài khoa học.

GV tiểu học mong lắm chương trình và phân phối chương trình thật hợp lý ở môn tập làm văn trong tương lai.

Để dạy văn tả cây cối ở lớp 4 sinh động, hấp dẫn HS hơn đòi hỏi GV phải đầu tư, sáng tạo thật nhiều. Theo tôi, các GV có thể đổi mới gây thu hút HS ngay từ bước đầu tiên bằng nhiều hình thức. Cụ thể, ngay từ đầu tiết dạy, GV có thể cho HS chơi trò chơi bằng những câu đố về cây cối, hoa quả như: “Da có mà bọc trứng gà, bổ ra thơm phức, cả nhà muốn ăn. Là trái gì?”, “Áo đơn, áo kép, đứng nép bờ ao. Là cây gì?”, “Cây gì bé nhỏ, hạt nó nuôi người, tháng năm, tháng mười, cả làng đi gặt?”… Từ những câu đố, GV giới thiệu về tả cây cối, đồng thời lưu ý HS những đặc điểm riêng biệt giữa cây này và cây khác. Sau khi tìm hiểu các đoạn văn tả cây cối trong sách, rút ra dàn bài, GV có thể cho các em đọc bài vè “tự biên” về tả cây cối như: “Nghe vẻ, nghe ve/ nghe vè miêu tả/ Tả cây tả cối/ Phải nói cây gì?/ Nhìn thấy ở đâu?/ Ai trồng ra nó?/ Phải tả đầy đủ/ Thân, rễ, lá, cành/ Quả ngọt, hoa thơm/ Thấy gì tả hết/ Sang đến phần kết/ Nêu ích lợi cây/ Cái hay, cái tốt/ Yêu thích thế nào?/ Có gì nói hết/ Nếu cây nhà trồng/ Nhớ chăm nhớ bón/ Nghe vẻ, nghe ve/ nghe vè để nhớ”.

Với bài vè này, HS sẽ nắm vững hơn những điều cần tả so với dàn bài ngắn gọn trong sách giáo khoa và các em hết sức thích thú vì dễ đọc, dễ thuộc. Trước khi vào phần luyện tập viết đoạn văn tả cây cối, GV cần đưa một số hình ảnh về cây cối cho HS so sánh, tìm đặc điểm khác biệt của từng bộ phận của các loại cây nhất là những cây có vài nét giống nhau như cây bàng-cây phượng, cây sen-cây súng, cây tre-cây tràm…

Qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy để dạy tốt một thể văn mới cho HS tiểu học cần phải qua 5 tiết học: Tiết 1: Giới thiệu thể loại văn – dàn bài chung (dàn bài chung cần rõ ràng). Tiết 2: Xây dựng dàn bài chi tiết từ 1 đề văn cụ thể. Tiết 3: HS làm văn miệng từ dàn bài chi tiết đã làm (để GV sửa chữa cách dùng từ, đặt câu, liên kết câu… của HS). Tiết 4: HS viết bài văn. Tiết 5: GV trả bài viết của HS. Sau 5 tiết đầu tiên này thì có thể cho HS 1 tiết viết và 1 tiết trả bài viết là đủ.

Lê Phương Trí

Bình luận (0)