Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đồng tiền “chua”

Tạp Chí Giáo Dục

Cái gốc của vấn đề dạy thêm, học thêm không thể giải quyết dứt điểm bằng một mệnh lệnh hành chính. Chắc phải chờ một thời gian nữa mới từng bước giải quyết ổn thỏa; còn trước mắt thì vẫn nên cho phép dạy thêm, học thêm trong nhà trường.

Dạy thêm, học thêm cũng như bác sĩ mở phòng khám ở ngoài bệnh viện và muốn có sự chu đáo, tận tình thì bệnh nhân mới tìm đến. Không phải bác sĩ nào cũng mở và tồn tại, phát triển được phòng khám cũng như không phải giáo viên nào cũng dạy thêm được. Bệnh nhân, người học sẽ có cách đánh giá thầy (thầy thuốc, thầy giáo) một cách khách quan nhất, nghiêm khắc nhất, sàng lọc nhất; không nể nang nhau như họp kiểm điểm rút kinh nghiệm thường thấy. Vì vậy, câu “tiền nào của nấy” thật đúng trong những trường hợp thế này. Không học sinh nào bỏ một số tiền lớn cho việc đi học thêm mà không thu được kết quả là bao so với… tự học! Cũng không ai bỏ ra số tiền gấp ba, bốn lần so với khám trong bệnh viện để đi khám ở ngoài mà không giảm, hết bệnh!

“Ăn” được đồng tiền học phí của học sinh quả thực không dễ dàng, không đơn giản như người ngoài cuộc suy nghĩ. Bên cạnh việc soạn bài trên lớp ở trường, giáo viên phải bỏ công sức nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, cách giải bài thế nào hiệu quả nhất, dễ hiểu nhất cho học sinh vận dụng. Qua việc dạy thêm, tay nghề của người thầy cũng dần được rèn giũa, nâng cao.

Lo lắng nhất là ôn thi chuyển cấp, ôn thi tốt nghiệp. Giáo viên cũng phải lo lắng cùng với học sinh. Đâu phải hết bài dạy là hết trách nhiệm, hết nỗi lo. Nhận đồng tiền học phí là nhận lấy trách nhiệm, nhận lấy niềm tin mà phụ huynh và học sinh gửi gắm. Nếu vì lý do nào đó, các em làm bài không tốt thì giáo viên là người bị “chì chiết” đầu tiên! Khổ vậy đấy nhưng không buông ra được bởi học sinh muốn học, muốn thi cử tốt hơn. Với chương trình học hiện hành, bên cạnh học trong lớp, học sinh không thể làm bài tốt nếu không học thêm; không được giáo viên hướng dẫn đào sâu, mở rộng, nâng cao…

“Ăn” được đồng tiền học phí của học sinh chua lắm, không “ngọt ngào” đâu! Xin hãy để cho giáo viên được sống bằng nghề chân chính của mình! Đó cũng là tính nhân văn của xã hội khi mỗi người sống với nhau bằng sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt mọi khó khăn…

Lê Hoàng Sa

Bình luận (0)