Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sổ sách “đè”

Tạp Chí Giáo Dục

Sổ sách hiện vẫn là gánh nặng của giáo viên bao lâu nay. Chuyện giảm gánh nặng sổ sách cho giáo viên thật ra không mới. Mấy năm gần đây tưởng chừng như giáo viên được “cởi trói” thế nhưng họ vẫn phải ngày đêm gồng gánh nhiều thứ sổ sách không mang lại hiệu quả trong quá trình dạy học mà chỉ nặng hình thức.

Công tác ở trường công, một giáo viên chỉ giảng dạy bộ môn (không kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, Đoàn – Đội) cũng phải “oằn mình” với nhiều loại sổ sách: sổ điểm cá nhân, sổ kế hoạch bộ môn, sổ báo giảng, sổ hội họp chuyên môn, sổ dự giờ, sổ sáng kiến kinh nghiệm… Biết bao thứ sổ sách khiến cho giáo viên phải ngán ngẩm. Còn đối với giáo viên kiêm nhiệm, ít nhất cũng phải gánh thêm năm bảy loại sổ khác, đó là chưa kể hàng đống sổ liên lạc, học bạ… Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng cho đến hàng năm, giáo viên đã mất đi rất nhiều thời gian vì sổ sách, giấy tờ này. Đó là một lãng phí rất lớn về mặt thời gian, chưa nói đến các mặt khác. Thử đem ra phép tính trung bình mỗi ngày một giáo viên dành 15 phút “trang điểm” cho các loại sổ sách ngoài chức năng giáo dục học sinh thì một đời làm giáo viên (trung bình 30 năm) sẽ lãng phí biết bao nhiêu thời gian? Áp lực sổ sách góp phần làm giảm chất lượng dạy học của người thầy. Từ đó, một số giáo viên tìm ra những “sáng kiến” sao chép để đối phó. Đó cũng là điều dễ hiểu.

Đối với giáo án vẫn còn nặng hình thức nên giáo viên hàng năm phải “đổi mới”. Họ đổi mới bằng cách in lại và thay đổi năm học cho phù hợp. Trên thực tế, giáo án chỉ mang tính hình thức. Giáo án “đẹp” chưa hẳn thầy dạy hay. Một lãnh đạo trường tư từng nói: “Quý thầy cô lên lớp có giáo án hay không thì không quan trọng. Điều quan trọng là thầy cô có dạy hiệu quả hay không. Chúng tôi không đặt áp lực vấn đề sổ sách để thầy cô dành thời gian đầu tư chuyên môn, đó là điều quan trọng nhất”.

Năm học 2016-2017 đã bắt đầu, mong rằng từ bộ đến cơ sở hãy “cởi trói” vấn đề sổ sách cho giáo viên để thầy cô dành thời gian đầu tư chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy.

Hoàng Đà Lạt

Bình luận (0)