Chị Ý Vân (trái) tư vấn chọn trang phục quần áo cho khách tại cửa hàng của mình trưa 15-9 – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Lợi thế lớn nhất của tôi là biết mình là người Việt, nên có thể hiểu “phom dáng” của người Việt, biết được người Việt muốn gì. Một thiết kế đến từ Ý có thể hợp dáng người của nước họ, nhưng về VN chưa chắc người của mình mặc phù hợp, hoặc có thể tôn thêm dáng cho thiết kế nguyên mẫu đó" |
VÕ NGỌC Ý VÂN |
Đó là chia sẻ của Võ Ngọc Ý Vân, người tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang ở Philadelphia University và chuyên ngành quảng cáo thời trang tại Temple University. Có tám năm làm việc tại Digitas lẫn Saatchi & Saatchi (Mỹ), cuối cùng Vân chọn quay về VN để thực hiện giấc mơ thiết kế thời trang của mình.
Vân chia sẻ:
– Mở một công ty thời trang do chính người Việt thiết kế và sản xuất, tôi đã ấp ủ từ hồi còn đi học, lúc mẹ tôi (bà Nguyễn Ánh Hồng, người sáng lập và kinh doanh chuỗi hệ thống siêu thị Maximark nổi tiếng một thời – PV) vẫn còn kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ.
Nhưng lúc đó tôi chưa có kinh nghiệm gì, lại chỉ đang đi học nên chưa thể thực hiện được kế hoạch này. Đó là lý do vì sao sau khi tốt nghiệp xong hai trường ĐH nói trên, tôi tiếp tục ở lại nước ngoài một thời gian để đi làm nhằm tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giá.
Còn việc trở về VN, đến thời điểm tôi cảm thấy chín muồi và phù hợp thì quyết định trở về. Người ta càng ra đi thì mình càng nên trở về chứ, vì đâu có ai… giành phần với mình! (cười lớn). Ở nước ngoài, nếu muốn mở một công ty riêng hoàn toàn không khó nhưng không dễ để mở xưởng sản xuất.
* Điều làm chị ngạc nhiên nhất là gì khi bắt tay vào tìm hiểu thị trường thời trang Việt?
– Hằng năm tôi đều trở về VN trong thời gian nghỉ hè và nghỉ đông. Những trang phục tôi thấy trên đường phố trong nước, có những kiểu dáng tôi đã thấy từ nhiều năm trước. Đó là lúc tôi nhận ra xu hướng thời trang của nước mình còn khá chậm so với thế giới.
Nhưng với công nghệ thông tin hiện tại và sự xuất hiện lần lượt của các hãng thời trang thế giới tại VN như hiện nay, độ nhận diện thời trang của VN đang dần bắt kịp xu hướng thế giới, với nhu cầu phát triển khá nhanh. Nên tôi muốn lao vào ngành này vì nhu cầu ăn và mặc của con người là bất tận.
* Vậy chị có biết thị trường thời trang VN đã và đang chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh từ hàng chục năm qua bởi sự lấn át của thời trang giá rẻ Trung Quốc, sự đa dạng bắt mắt của thời trang Hàn Quốc, Thái Lan, hay sự tinh tế lịch lãm của các thương hiệu đến từ Mỹ, Ý, Pháp…?
– Nhận ra điều đó, tôi càng quyết tâm mua lại công ty sản xuất hàng may mặc từ một thương hiệu bán lẻ lớn trong nước từ cuối năm 2015. Tôi đã đầu tư 300 tỉ đồng để lập nên “Mym” với 150 công nhân làm việc tại xưởng may ở Hà Nội. Bảy tháng sau, tôi đã mở được 22 cửa hiệu ở năm thành phố lớn trong nước.
Bộ sưu tập đầu tiên tôi tổ chức sản xuất với 120 mẫu thiết kế được làm từ nguồn nguyên liệu do công ty cũ đó để lại.
Với vai trò giám đốc sáng tạo, là người duyệt các mẫu thiết kế cuối cùng, tôi cùng êkip làm việc của mình, gồm một giám đốc thiết kế chính cùng 15 thiết kế viên, đã cật lực cho ra đời những mẫu áo, váy không chỉ bắt kịp xu hướng thời trang thế giới hiện nay, mà còn được tạo nên bởi nguồn nguyên liệu có chất lượng rất tốt để thăm dò thử thị trường.
Đến nay tôi rất vui khi 75% lượng sản phẩm của bộ sưu tập đầu tiên đã được tiêu thụ hết, dù chúng tôi chưa thực hiện các hoạt động marketing nào, ngoài việc chỉ giới thiệu trên mạng xã hội. Mức giá trung bình của Mym từ 500.000 – 700.000 đồng/sản phẩm. Ở phân khúc giá này, tôi tự tin sản phẩm của Mym đủ sức cạnh tranh với sản phẩm thời trang nước ngoài đang hiện diện tại VN.
Đó cũng là lý do vì sao trong tháng 9 này, tôi sẽ tung ra bộ sưu tập thứ hai để giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng trong nước.
* Việc khởi nghiệp của chị có nhiều thuận lợi với truyền thống kinh doanh của gia đình, trong đó có sự hỗ trợ rất lớn từ người mẹ rất nổi tiếng của mình? – Việc khởi nghiệp cần nhất ở người bắt đầu là phải xác định cho được “tài nguyên” của bản thân mình là gì, có những thế mạnh, thiên hướng cá nhân, sự đam mê vào lĩnh vực, vấn đề gì để đeo đuổi, chứ không phải cứ có vốn, có tiền hay có người “chống lưng” phía sau là đủ. Nhưng tất cả những điều kể trên sẽ không có ý nghĩa gì nếu suy nghĩ khởi nghiệp chỉ cần chạy theo phong trào là có thể thành công. Quan trọng là sự tự tin và tìm hiểu học hỏi từng giây, từng phút của bản thân để có thể đeo đuổi nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. |
TRẦN VŨ NGHI /TTO
Bình luận (0)