Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tính toán kỹ với chương trình dạy ngoại ngữ quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ GD-ĐT, lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Song song với tiếng Anh, bộ thí điểm dạy tiếng Nga, Trung, Nhật như ngoại ngữ thứ nhất.

Học sinh THCS học ngoại ngữ với giáo viên người bản xứ. Ảnh: V.Yên

Như vậy, có 4 ngoại ngữ thứ nhất sẽ được giảng dạy trong hệ thống giáo dục nước nhà. Bên cạnh đó, tiếng Hàn, tiếng Pháp được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.

Đề án này hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng chất dạy và học tiếng Anh là điều hết sức cần thiết bởi tiếng Anh hiện nay vẫn là ngôn ngữ toàn cầu, là chìa khóa quan trọng để đất nước hội nhập và bản thân từng công dân có thể tiếp cận với các tri thức mới, các tiến bộ của nhân loại. Bên cạnh đó, việc mở rộng một số ngoại ngữ khác nhằm có thêm sự lựa chọn cho học sinh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhu cầu và tư chất của bản thân người học. Ngoài ra, chương trình học kéo dài 7 năm với nội dung và hình thức học được cải tiến đáng kể, có thể thực sự nâng chất lượng việc học ngoại ngữ so với hiện nay.

Việc bổ sung thêm một số ngoại ngữ để học sinh có thể lựa chọn là cần thiết nhưng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhận thức, nhân lực, phương tiện, giáo trình, chương trình học… chứ không nên đơn giản chỉ nêu là thí điểm rồi lại tiếp tục đem học sinh ra thử nghiệm.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng việc dạy và học tiếng Anh hiện nay có chất lượng chưa tốt, học sinh học nhiều năm nhưng khả năng sử dụng còn kém, nên cần thiết phải có phương án nâng chất việc dạy tiếng Anh thay vì phải bổ sung thêm nhiều ngoại ngữ khác. Trong khi đó, giáo viên dạy tiếng Trung, Nga, Nhật, Hàn, Pháp không thể đáp ứng được yêu cầu ngay trong một vài năm tới do thiếu cả số lượng và năng lực, nên thật khó có thể đạt được yêu cầu về dạy và học trong thời gian đầu. Không chỉ vậy, một số ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Pháp… hiện không được dùng nhiều ở Việt Nam, ngay cả các ngành đào tạo có liên quan với các ngôn ngữ này ở bậc ĐH cũng thu hút rất ít sinh viên. Ngoài ra, nhìn lại việc dạy ngoại ngữ trước giờ ở nước ta, tính liên tục không được thực hiện tốt (trước đây dạy tiếng Nga ở bậc phổ thông, sau đổi sang tiếng Anh, sau nữa lập một số lớp song ngữ; chương trình dạy ở bậc phổ thông không có sự nối tiếp ở bậc ĐH; các hình thức thi chứng chỉ cũng thay đổi thường xuyên…) thì ít nhiều làm mất lòng tin trong dư luận…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, quá trình đó cần có sự nghiên cứu đầy đủ, khách quan và có lộ trình phù hợp. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, cần có đề án nâng chất lượng việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ bậc MN, TH, THCS, THPT, ĐH và sau ĐH, theo hướng học để hành, học để sử dụng và tiếp cận với các phương pháp tiến bộ của thế giới. Phải tuyển chọn đội ngũ giáo viên đủ năng lực và có phương pháp giảng dạy hiện đại để đứng lớp. Đồng thời, đổi mới việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường sư phạm.

Thứ hai, phải có lộ trình thích hợp cho việc dạy các ngoại ngữ khác. Trước hết phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên – yêu cầu này nếu thực hiện ngay bây giờ cũng phải mất vài năm. Cần tiến hành thí điểm dạy các ngoại ngữ ngoài tiếng Anh và rút kinh nghiệm sâu sắc từ việc thí điểm đó, về các vấn đề như nhu cầu thực sự của người học và của xã hội, phương pháp nào thực sự phù hợp với điều kiện của học sinh Việt Nam, hiệu quả thực sự của việc dạy các môn này… Bên cạnh đó, cần xây dựng chương trình học, sách giáo khoa, thiết bị – phương tiện dạy và học…

Học sinh có thể chọn tiếng Nga, tiếng Trung là ngoại ngữ thứ hai

Bộ GD-ĐT đã ra thông cáo báo chí về kế hoạch thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga và tiếng Trung hệ 10 năm của ngoại ngữ thứ nhất. Bộ GD-ĐT giải thích: ngoại ngữ thứ nhất là ngoại ngữ bắt buộc. Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5-5-2006, học sinh được lựa chọn một trong 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung làm ngoại ngữ thứ nhất. Đến năm 2011, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2051/QĐ-BGDĐT ngày 18-5-2011 về việc bổ sung tiếng Nhật vào giảng dạy trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất, hoặc thứ hai. Song song đó, Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: ngoại ngữ thứ hai là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh. Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong 5 ngoại ngữ nói trên là ngoại ngữ thứ hai. Ví dụ, các em đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga, tiếng Pháp hoặc tiếng Nhật, tiếng Trung như ngoại ngữ thứ hai. Gần đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục cho phép dạy học thí điểm tiếng Đức và tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy – học.

Theo Quyết định 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” là: Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ thứ hai chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp THPT. Do đó, việc xây dựng chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc (dự kiến thí điểm từ lớp 3, năm học 2017-2018) theo chương trình mới – hệ 10 năm như đã xây dựng đối với tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật cũng nằm trong nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg.

N.Trinh

Thứ ba, cân nhắc lựa chọn các ngoại ngữ và cách giảng dạy theo xu hướng của xã hội và nhu cầu thực sự của nước ta. Bên cạnh việc cân nhắc các ngoại ngữ trong đề án (để thay đổi cho phù hợp hoặc tính toán dạy ở vùng miền nào thì hợp lý hơn) thì cũng nên quan tâm đến một số ngoại ngữ khác vốn cũng là ngôn ngữ có nhiều người sử dụng (nhất là những ngôn ngữ chính thức của Liên Hiệp Quốc), như tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập…

Việc nâng cao chất lượng dạy và học các ngoại ngữ là hết sức cần thiết, nhưng phải có sự tính toán, cân nhắc thấu đáo. Theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo, lấy người học làm trung tâm, thì dạy ngoại ngữ cũng phải trên quan điểm đó. Tức là, việc nâng cao chất lượng không phải qua kết quả thi cử, số người theo học…, mà phải ở việc người học có thể sử dụng tốt ngoại ngữ đó như thế nào.

Trúc Giang

Bình luận (0)