Trẻ nhỏ, cơ thể chưa phát triển toàn diện, sức đề kháng kém, và rất nhạy cảm với những biến đổi môi trường, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành tại TP.HCM, và các tỉnh trong cả nước. Vì vậy, việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe và dạy trẻ mầm non là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả các bậc phụ huynh khi trường học chưa mở cửa…
Bé đọc sách trong thời gian ở nhà
Làm như thế nào để sức khỏe, sự phát triển về thể chất, lẫn tâm lý của trẻ được đảm bảo, điều này phụ thuộc vào một phần quan trọng của chế độ ăn uống, chăm sóc. Do đó, cha mẹ cần tổ chức cho trẻ ăn uống hợp lý, ăn đúng giờ, đủ chất, đủ lượng, đảm bảo vệ sinh, không khí bữa ăn luôn vui vẻ thoải mái. Cha mẹ cần ân cần nhẹ nhàng động viên trẻ, để trẻ tự nguyện ăn hết suất, cùng nhau dọn bữa ăn để trẻ cảm thấy lợi ích của việc ăn uống đúng giờ, đúng bữa.
Thực hiện chế độ tốt cho việc vệ sinh chăm sóc trẻ, vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ dùng đồ chơi, sử dụng và giữ sạch nguồn nước, hạn chế đến mức thấp nhất các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Cha mẹ cần chăm sóc chu đáo giấc ngủ của trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an toàn được âu yếm, được yêu thương khi đi vào giấc ngủ. Trẻ được ngủ đủ giấc, sau khi thức dậy, sẽ tỉnh táo vui vẻ tích cực hoạt động. Đó là yếu tố cần thiết cho sự phát triển thể lực, tinh thần nhằm tăng cường sức khỏe trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19. Rất nên cân đo thường xuyên cho trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ qua số liệu cân đo. Số liệu cân đo rất nên được ghi lại trên biểu đồ tăng trưởng có trong các sổ khám sức khỏe của trẻ. Những dấu hiệu, triệu chứng khi cha mẹ phát hiện cần được phản ánh kịp thời lên biểu đồ tăng trưởng, phòng khi trường hợp phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khi cần thiết, có dữ liệu để khai báo với bác sĩ điều trị. Nếu đường biểu diễn sức khỏe của trẻ nằm ngang, hoặc đi xuống, cần tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp can thiệp sớm. Nhằm bồi dưỡng, khắc phục những tình trạng đã ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ.
Cha mẹ cần cố gắng quan tâm sức khỏe của con mình hằng ngày, thông báo kịp thời tình hình sức khỏe của con mình khi có những dấu hiệu nguy hiểm đến bác sĩ gia đình. Thực hiện tích cực các biện pháp phòng chống bệnh theo mùa, tiêm phòng theo lịch tiêm chủng của trẻ, phòng dịch cho trẻ theo quy định của Bộ Y tế.
Cha mẹ cho trẻ vận động tại nhà, tập những bài tập đơn giản hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe trẻ. Được vận động, hoạt động, vui chơi giải trí dưới các hình thức phù hợp với lứa tuổi, không gian tại nhà, được dạo chơi quanh nhà, nếu như nhà có sân vườn, hoặc đi lại nhẹ nhàng trong nhà, nếu nhà không có sân vườn, tránh tình trạng trẻ ở trong phòng xem tivi, và điện thoại quá lâu, cân nhắc và giám sát chương trình trẻ xem, trò chơi trẻ chơi.
Để đảm bảo quy định phòng chống dịch theo các chỉ thị, hướng dẫn thành phố, có thể tận dụng ánh sáng trước sân nhà, cửa sổ để trẻ tiếp xúc với ánh nắng. Tận hưởng ánh sáng buổi sáng sẽ tăng cường sức khỏe, trao đổi chất trong cơ thể, giúp trẻ thích nghi với những biến đổi của thời tiết. Rèn luyện khả năng thích ứng với môi trường sống cho trẻ em ở độ tuổi nhỏ, từ mầm non cho đến tiểu học là điều cần quan tâm nhất hiện nay, khi khả năng trẻ bảo vệ mình còn chưa tốt, nhưng rất hiếu động thích tìm tòi khám phá thế giới xung quanh. Vì thế trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà trong thời điểm này, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi bao quát trẻ mọi lúc mọi nơi. Cần có những biện pháp tích cực, phòng chống tránh tai nạn thương tích, như điện, nước, những vật sắc nhọn…
Trẻ mầm non khi ở nhà
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất và tinh thần, cha mẹ cần tìm hiểu những kiến thức và kỹ năng về phòng chống, cách xử lý ban đầu một số tai nạn thường gặp, cách để bảo vệ trẻ. Cha mẹ nhắc nhở trẻ thường xuyên, cùng với thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn sức khỏe và tinh thần cho trẻ. Cẩn thận với những chương trình trẻ xem, cha mẹ cần lựa chọn các bộ phim giàu tính giáo dục và có ý nghĩa đối với trẻ. Ngoài ra cha mẹ cũng cần phải giáo dục trẻ có những hiểu biết dinh dưỡng, cách tự chăm sóc sức khỏe của bản thân, hình thành ở trẻ những hành vi văn hóa, thói quen vệ sinh trong mọi sinh hoạt như; dạy trẻ cách rửa tay, cách lau mặt, cách đeo khẩu trang, cách pha nước cam, cùng mẹ làm nội trợ, nhặt rau…
Trẻ khỏe mạnh an toàn, cơ thể sẽ phát triển hài hòa cân đối là mục tiêu quan trọng của việc thực hiện chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ tại nhà trong mùa dịch Covid-19 này. Để đảm bảo được sự an toàn cho trẻ, bảo vệ sức khỏe trẻ trong thời điểm này, đòi hỏi tất cả mọi gia đình phụ huynh phải có những hiểu biết đầy đủ về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến sự phát triển và tăng trưởng về tâm lý thể chất của trẻ nói chung, và tinh thần của trẻ nói riêng. Trên cơ sở đó, cha mẹ cần tổ chức môi trường sinh hoạt tại gia đình phù hợp, ứng biến được trong thời gian trẻ ở nhà không được đến trường, không được hoạt động hè. Cha mẹ cần hiểu trẻ, thấu cảm với trẻ, từ đó cùng trò chuyện với trẻ, cùng chơi với trẻ, để trẻ cảm thấy được quan tâm yêu thương. Không nên để trẻ chơi trò chơi điện tử quá nhiều, xem tivi quá nhiều, sẽ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ về lâu về dài.
Trong thời gian chưa thể đến trường để đảm bảo góp phần phòng chống dịch Covid-19, cha mẹ cần cố gắng bảo vệ trẻ bằng những biện pháp thiết thực nhất, đó chính là dành sự thương yêu vô bờ bến cho trẻ.
Hồ Xuân Đà
(GV mầm non TP.Thủ Đức)
Bình luận (0)