Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Có nên phạt học sinh bằng tiền?

Tạp Chí Giáo Dục

Một chị phụ huynh sáng sớm chạy vào trường và đề nghị gặp giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh muốn hỏi căn nguyên nào lại bắt con họ đóng tiền vì không thuộc bài. Thầy giám thị hỏi con chị học lớp nào, ai chủ nhiệm và hỏi cô chủ nhiệm bắt đóng phạt bao nhiêu? Chị phụ huynh nói con chị học lớp… và cô chủ nhiệm là… yêu cầu đóng phạt 2.000 đồng cho một lỗi vi phạm.

Sau khi nghe thầy giám thị giải đáp và nói sẽ phản hồi cho cô chủ nhiệm ấy thì chị phụ huynh ra về. Theo chị phụ huynh, mỗi ngày chị cho con một ít tiền tiêu vặt và ăn uống giữa buổi, nếu đóng phạt thì không còn tiền ăn. Mà theo cách nhìn của chị thì phạt học sinh bằng tiền sẽ phản tác dụng bởi lẽ có thể các em sẽ lừa dối cha mẹ để xin tiền đóng phạt mà cha mẹ không biết.

Về phía giáo viên, theo tôi biết không chỉ cá biệt một giáo viên mà có nhiều giáo viên khác áp dụng hình thức này. Đây là hình thức nhẹ nhàng, tạo ra áp lực không quá lớn cho học sinh. Các em vẫn có một ít tiền để đóng và khi sợ phạt hết tiền tiêu vặt thì các em sẽ gắng học hơn.

Khi nghe hai cách nhìn từ hai phía, bên nào nói cũng có lý và đương nhiên học sinh cũng có suy nghĩ như phụ huynh và giáo viên nói – các em sợ bị phạt hết tiền nên học bài.

Riêng tôi không hoàn toàn đồng tình với hình thức xử phạt này. Bởi lẽ, phạt một học sinh thì dễ, nhưng không phải học sinh nào cũng có khả năng nhận thức, năng khiếu giống nhau. Nếu cứ tiếp tục đóng tiền cho một lỗi vi phạm trong khi học sinh đó không thể tiến bộ lên sẽ làm tổn thương tâm lý các em, càng gây ức chế cho chính giáo viên đó, lâu dần thành quen khi các em vi phạm một lỗi gì đó thì sẽ đánh đổi vi phạm ấy bằng tiền sẽ rất tai hại.

Một học sinh tham gia vẽ tranh mà vẽ không tốt, một học sinh không có năng khiếu toán, một học sinh không làm nổi một bài văn…, điều đó không đồng nghĩa là các em bất tài, là ngu dốt; học sinh đó sẽ có một tố chất, một khả năng riêng nào đó mà chính sự bất tài, kém năng lực khơi gợi của giáo viên trực tiếp giảng dạy đã chưa khai mở nơi các em. Điều đó cho thấy sự thiếu gần gũi học sinh của giáo viên, chưa thực sự quan tâm đến từng cá nhân học sinh.

Vì thế thiết nghĩ, giáo viên phải cá biệt hóa khả năng học sinh, mỗi học sinh có một năng khiếu riêng, một đam mê sở thích riêng, không thể có chuyện cào bằng về một mức kiểm tra trình độ cho mọi học sinh. Hãy cho học sinh được khám phá năng lực tiềm ẩn của mình để các em được sống với sở thích riêng.

Minh Quân

Bình luận (0)