Ngày 25-10, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo “Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông trực tuyến ở vùng Nam bộ hiện nay” với sự tham dự của đại diện các trường ĐH, doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên…
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Tại đây, PGS.TS Mai Đức Ngọc (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, thời gian qua, Đảng ta rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông. Cụ thể như đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu tham khảo, đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy học… đều có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng kể thì công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, trong đó, mâu thuẫn giữa nhu cầu tăng cao trong đào tạo, bồi dưỡng và sự hạn chế về nguồn lực, cơ sở vật chất là một trong những vấn đề đặt ra hiện nay. Cụ thể, nhu cầu mở lớp ở các địa phương rất lớn nhưng khả năng tổ chức lớp tại địa phương gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn lực. Vì vậy, tìm tòi những hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng mới nhằm mở rộng không gian, môi trường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông là một giải pháp phù hợp cho vấn đề trên hiện nay. Đào tạo trực tuyến khắc phục được khó khăn của việc tổ chức những khóa học tại địa phương xa, tạo cơ hội học tập cho nhiều người hơn. Khi đó người học có thể chủ động sắp xếp được thời gian, không gian, tiết kiệm chi phí…
Ông Ngọc cũng chỉ ra, khu vực Nam bộ rộng lớn trong đó có những thành phố lớn thuận tiện cho giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tuy nhiên cũng có những tỉnh xa, khó khăn cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo lối truyền thống. Và phương thức trực tuyến cũng là một lựa chọn tối ưu để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực vùng. “Tuy nhiên, để đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông trực tuyến đòi hỏi phải có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc và chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung chương trình, cơ sở hạ tầng – kỹ thuật, đội ngũ giảng viên và điều kiện quan trọng khác” – ông Ngọc nói.
Sinh viên đặt câu hỏi với các đơn vị đào tạo
Riêng lĩnh vực báo chí truyền thông, trong tham luận, hai tác giả là PGS.TS Phạm Huy Kỳ (nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và PGS.TS Hà Huy Phượng (Trưởng khoa Xuất bản Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cùng cho rằng, phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến là con đường hiện đại góp phần đào tạo nhân lực hiệu quả. Cũng theo các tác giả này, từ năm học 2018-2019, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã quyết liệt chú trọng xây dựng phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến lý luận chính trị và báo chí truyền thông. Phương thức này đang được triển khai nghiên cứu ở góc độ khoa học của một đề tài cấp bộ, trọng điểm. Lộ trình sau khi có kết quả nghiên cứu, học viện sẽ thí điểm và nhân rộng hình thức đào tạo trực tuyến song song cả mảng lý luận chính trị và báo chí truyền thông.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến là một xu hướng tất yếu mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông ở nước ta cần đón bắt, thích ứng, triển khai nhưng để đạt hiệu quả còn có những khó khăn, thách thức cần vượt qua. Cụ thể như nhiều giảng viên chưa có kỹ năng xây dựng bài giảng và giảng bài trực tuyến, chưa quen tương tác với người học và các khâu trong quá trình dạy học trực tuyến. Phía cơ sở đào tạo, vì chưa dự báo được nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trực tuyến nên việc quyết định đầu tư vào mảng này hiện nay là bài toán khó, chưa rõ kinh phí. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống máy vi tính, đường truyền… cần được nâng cấp so với đào tạo theo cách truyền thống…
Mê Tâm
Bình luận (0)