Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trung tâm hỗ trợ người nghèo… lừa 100 tỷ đồng của nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định có khoảng 40.000 người dân ở hơn 20 tỉnh, thành phố đã sập bẫy "Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới" khi tham gia Chương trình “Trái tim Việt Nam”, với tổng số tiền lên tới 100 tỷ đồng.
Trung tâm hỗ trợ người nghèo... lừa 100 tỷ đồng của nông dân

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 12/4, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam và thi hành lệnh khám xét đối với Trần Đức Trung (SN 1961), nguyên Chủ tịch HĐQT; Lê Thị Hằng (SN 1963), Tổng giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới – thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, trước thời điểm bị bắt, bị can Trần Đức Trung đang giữ chức danh Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu, kiêm Phó tổng biên tập Tạp chí Văn Hiến. Ông Trung từng bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo, sau đó lại được cấp lại vào tháng 3/2016.

Thông tin về kết quả điều tra bước đầu cho thấy, “Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” do Trần Đức Trung đứng đầu, đã núp bóng từ thiện để lừa dân huy động tiền, nhằm chiếm đoạt tài chính phục vụ mục đích cá nhân. Cặp đôi này đã lợi dụng danh nghĩa thực hiện chương trình “Trái tim Việt Nam” để mồi chài người dân nộp tiền vào Trung tâm thì sẽ được trả lãi suất cao. Cụ thể, nếu nông dân nộp 1,2 triệu đồng sau 6 tháng sẽ được hỗ trợ 5,2 triệu đồng, nếu nộp 1,9 triệu đồng sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng, nếu nộp 7,5 triệu đồng sẽ nhận hỗ trợ 50 triệu đồng… Số tiền lãi sẽ tiếp tục tăng lên cấp số nhân nếu nộp nhiều tiền.

Vì ham lãi suất cao nên nhiều nông dân nghèo đã góp tiền nộp. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền thì nhân viên Trung tâm mới đưa phiếu thu và bảo người dân phải ký vào tờ giấy tự nguyện tham gia đóng góp. Nhiều người cả tin đã trót dại ký vào giấy, giờ mới ngã ngửa biết mình bị lừa và đến đòi lại tiền song không lấy được. 

Năm 2016, sau khi nhận được phản ánh của dư luận về việc làm khuất tất của Trung tâm này, Bộ Nội vụ đã có ý kiến và Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn đã ra quyết định “đóng cửa” hoạt động của Trung tâm này.

Tuy nhiên, chỉ sau gần một năm hoạt động, hệ thống “chân rết” của Trần Đức Trung và Lê Thị Hằng đã xuất hiện tại hơn 20 tỉnh, thành, thu hơn 100 tỷ đồng của 40 nghìn người dân.

Duơng Lê (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)