Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rèn tính bền bỉ cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ cần được rèn luyện tính bền bỉ để sẵn sàng vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Phụ huynh cần  rèn luyện cho con cái tính bền bỉ

Người có tính bền bỉ là có khả năng dám chấp nhận thất bại để quyết tâm vươn lên, là người chịu đựng được mọi khó khăn, kiên nhẫn, bền tâm, bền chí; biết tự kiểm soát bản thân, tự tạo cho mình tâm trạng không bi quan sau mỗi thất bại, rút ra cho mình những kinh nghiệm đáng quý cho những hành động sau này. Tuy nhiên, phẩm chất này không tự nhiên có, trẻ cần được rèn luyện để sẵn sàng vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

* Trước hết, cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng trẻ. Trẻ nhỏ là người chưa có kinh nghiệm sống, chúng chưa có đủ hiểu biết, chưa đủ bản lĩnh để giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống cũng như cách để nuôi dưỡng niềm hi vọng khi gặp phải khó khăn, thất bại. Nên khi trẻ mắc phải sai lầm nào đó, cha mẹ cần đặt mình vào địa vị của con để hiểu được những cảm xúc và hành vi của con. Tỏ thái độ thông cảm chân thành thì đứa trẻ sẽ nhanh chóng sửa chữa những lỗi lầm và tự hoàn thiện mình tốt hơn những đứa trẻ bị chê trách. Trẻ sẽ quyết tâm hoàn thành cho bằng được nhiệm vụ của mình để không phụ lòng yêu thương của cha mẹ.

* Thứ hai, cha mẹ phải luôn ghi nhận và khích lệ kịp thời những cố gắng của con. Mặc dù trẻ đã cố gắng nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn, cha mẹ vẫn nên kịp thời ghi nhận và khuyến khích con không ngừng phấn đấu vươn lên. Những lời động viên, khen ngợi đó như một liều thuốc tốt cho tinh thần, có tác dụng tích cực giúp trẻ biết giữ gìn và phát huy thành tích của mình. Song, cha mẹ cũng nên biết cách khen ngợi, đừng tán dương quá lời so với những gì trẻ đạt được. Bởi thực tế cho thấy, một đứa trẻ mà mọi việc làm bình thường đều được cha mẹ đưa lên đến tận mây xanh thì đứa trẻ đó khó mà có được tính bền bỉ khi đối mặt với thất bại và đứa trẻ đó cũng sẽ khó có ý thức tự rèn luyện bởi những gì nó nghe được hằng ngày khiến nó đã quá mãn nguyện.

* Thứ ba, giúp trẻ đánh giá đúng nguyên nhân của thất bại. Trẻ nhỏ đang khám phá thế giới nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống và cách đối mặt với những khó khăn trở ngại. Vì thế, cha mẹ nên gần gũi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, biết được những thất bại mà trẻ đang đối mặt. Từ đó, giúp trẻ đánh giá được nguyên nhân dẫn đến thất bại, những vướng mắc mà trẻ đang lúng túng, chưa biết cách tháo gỡ. Cha mẹ bằng sự khéo léo của mình giúp trẻ nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề từ nhiều góc độ. Khi trẻ biết nguyên nhân thất bại, chúng sẽ quyết tâm bền bỉ hơn trước những thử thách của cuộc sống.

* Thứ tư, hướng dẫn trẻ cách đánh giá đúng bản thân. Trong quá trình sống, hoạt động và học tập. Trẻ không thể tránh khỏi những thất bại hoặc sai lầm. Có những đứa mạnh mẽ vượt qua được, nhưng cũng có đứa sẽ nản chí, bi quan, nảy sinh tâm lý tự ti, hèn nhát, đánh giá thấp bản thân, có khi bỏ cuộc. Với tâm trạng tiêu cực đó, sẽ khiến chúng không đủ nghị lực để đối mặt với những thử thách tiếp theo. Cha mẹ hãy giúp con có cái nhìn đúng đắn về bản thân bằng cách chỉ cho chúng thấy những mặt mạnh, sở trường của chúng. Chẳng hạn, như trẻ có thể kỹ năng làm toán chưa chắc, hay để sai những phép tính, nhưng trẻ viết chính tả khá rõ ràng, đọc bài rất lưu loát; hoặc trẻ hơi nhút nhát khi tập bơi nhưng chơi cờ vua thì rất khá… Khéo léo giúp trẻ tự tin, không nên quá chú ý điểm hạn chế của mình mà chán nản.

Hành trình của mỗi người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, thậm chí có khi còn gặp phải những trở ngại không phải dễ gì vượt qua. Khi đó, cần sự bền bỉ, dũng khí để sẵn sàng đối mặt và tiến lên phía trước. Tính bền bỉ của trẻ vì thế cần phải được trau dồi, tôi luyện thường xuyên để giúp chúng có được bản lĩnh trong suốt cuộc đời.

Nguyễn Văn Công 
(Giảng viên tâm lý học –
Trường ĐH Nguyễn Huệ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)