Chương trình Ngữ văn 2018 đặt ra một vấn đề hết sức cấp thiết là cần giúp giáo viên chuyển từ dạy học chạy theo nội dung sang dạy học theo hướng phát triển năng lực. Dạy học phát triển năng lực không hướng đến việc cung cấp thật nhiều kiến thức ngôn ngữ và văn học mà quan tâm đến việc vận dụng những kiến thức ấy một cách hiệu quả trong giao tiếp.
Học sinh THCS tham gia hội thi sân khấu hóa tác phẩm văn học do Phòng GD-ĐT Q.8 tổ chức (ảnh minh họa). Ảnh: Kiều Trinh
Theo đó, dạy học theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi giáo viên cần thay đổi, từ bỏ một số thói quen do quá lâu ngày dạy theo cách cũ. Trước hết cần phải chuyển từ cách dạy giảng văn sang dạy đọc hiểu văn bản; chuyển từ việc nói cho học sinh nghe những gì thầy cô hiểu, yêu thích sang hướng dẫn để các em biết tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm theo cách nhìn và suy nghĩ cảm nhận của chính học sinh. Dạy học ngữ văn theo lối giảng văn, phân tích tác phẩm có những ưu điểm. Nhưng cách dạy ấy có chung một hạn chế ở chỗ giáo viên nói là chính, giảng những điều thầy cô hiểu về tác phẩm cho học sinh nghe, áp đặt cách hiểu của người dạy, học sinh chỉ ghi chép theo thầy cô. Trong khi lý thuyết tiếp nhận đòi hỏi mỗi người đọc phải là một chủ thể sáng tạo, phải tham gia tạo nghĩa, lấp đầy khoảng trống của văn bản; đặc biệt phải biết cách đọc, cách khám phá ra các giá trị của văn bản. Giáo viên không làm thay, đọc hộ học sinh nhưng vẫn cần những phút giây thăng hoa, “lên đồng” đúng lúc, đúng chỗ; nêu lên những hiểu biết của mình để cùng học sinh khám phá, trao đổi; giúp học sinh hoàn thiện, nâng cao những điều mình hiểu về tác phẩm ấy.
Việc bồi dưỡng giáo viên lâu nay vẫn chú trọng bổ sung kiến thức; ít chú ý tới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới; trong khi để phát triển năng lực chủ yếu là do cách dạy. |
Tất cả các yêu cầu cơ bản nêu trên về dạy đọc hiểu theo hướng phát triển năng lực là một thách thức lớn đối với thực trạng dạy học ngữ văn ở nước ta. Trước hết là do thói quen, quán tính của lối dạy học cũ. Giáo viên chỉ thích nói những gì mình thích cho học sinh nghe; đọc cho học sinh chép và đánh giá cao những gì các em nói và viết đúng ý mình. Tiếp đến là cách thức đào tạo trong các nhà trường sư phạm. Chương trình Ngữ văn ở nhà trường phổ thông đã chủ trương dạy đọc hiểu từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay hầu như chưa hề có một giáo trình nào về phương pháp dạy đọc hiểu cho sinh viên. Tổ phương pháp ở các nhà trường sư phạm vẫn mò mẫm tự tìm lối đi, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu sự thống nhất trong quan niệm dạy học đọc hiểu. Hiện nay tài liệu về lý thuyết đọc hiểu không thiếu, mà thiếu là thiếu các tài liệu hướng dẫn cách dạy đọc hiểu. Tương tự như thế là chưa có giáo trình về cách dạy viết; cách dạy nghe và nói theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Việc bồi dưỡng giáo viên lâu nay vẫn chú trọng bổ sung kiến thức; ít chú ý tới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới; trong khi để phát triển năng lực chủ yếu là do cách dạy. Việc chỉ đạo dạy học ngữ văn từ Trung ương đến địa phương hầu như buông thả, thiếu định hướng rõ ràng, thống nhất…
Đọc hiểu là gì đã khó; dạy đọc hiểu như thế nào còn khó hơn; khó nhất là thực hành dạy đọc hiểu trên lớp. Vì thế nếu giáo viên không được bồi dưỡng chu đáo về dạy học theo yêu cầu mới thì việc triển khai chương trình Ngữ văn 2018 sẽ thất bại.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)