Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Chúng em biết hết đó thầy!”

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những câu nói quen thuộc, được xếp vào hàng kinh điển của giáo viên các thế hệ là: “Thầy cô đều đã từng là học sinh, thầy cô biết hết các em đang nghĩ gì, định làm gì, chỉ là thầy cô có muốn nhắc nhở, chấn chỉnh các em hay không thôi”. Quả thực, dựa vào vốn sống đã trải nghiệm, giáo viên thường có quan niệm như vậy. Rồi đến một ngày nọ, tôi được nghe lại nội dung quen thuộc đó. Nhưng người nói ở đây lại chính là các em học sinh. 

Tiết dạy đó, do dở dang một vài công việc giấy tờ, tôi ngồi luôn tại lớp vào giờ ra chơi để hoàn thiện cho xong. Mải mê với giấy tờ sổ sách, tôi cũng không để ý đã có một nhóm học sinh tập trung xung quanh bàn giáo viên nơi tôi ngồi. Các em mạnh dạn và thân thiện chia sẻ những lời động viên tôi. “Ráng lên thầy ơi. Hết đợt giấy tờ đầu năm học này rồi thì gần hai tháng sau mới có đợt giấy tờ mới, thầy cố gắng lên”. Tôi cảm động, ngước mắt nhìn những gương mặt nhỏ nhắn hồn nhiên, buột miệng hỏi: “Lớn lên có ai trong các em muốn theo nghề giáo không?”. Có em trả lời có, có em trả lời không…

Theo thời gian, câu chuyện thầy trò trao đổi càng thêm thân tình. “Chúng em biết hết đó thầy, chỉ là chúng em không nói ra thôi”. “Các em biết những gì?”. Tôi hỏi lại các em, miệng mỉm cười, trong lòng không khỏi thấy thú vị vì câu nói hồn nhiên, trong trẻo ấy. Nhưng niềm hứng thú ấy trong tôi không duy trì được lâu. Bởi vì những điều các em biết khiến tôi rất trăn trở. Các em kể đã vô tình bắt gặp các thầy lén hút thuốc ra sao, hút ở đâu, hút vào lúc nào, hút với những ai. “Vậy mà các thầy toàn nói học sinh không được hút thuốc lá, có hại cho những người xung quanh”. Chưa hết, các em còn kể đã tận mắt thấy thầy cô giám thị đi xe trên làn đường dành cho người đi bộ và chạy ngược chiều khi tham gia giao thông… “Nhưng các thầy cô toàn bắt phạt chúng em nhặt rác khi thấy lá cây hay bịch ni-lông rơi. Kỳ gì đâu”. Các em còn kể thầy cô ít khi đọc sách hay mua sách gì, mà “cứ bắt chúng em phải tìm mua và đọc quyển này, quyển kia, chắc tác giả là bạn bè hay người quen của thầy cô”. Ngoài ra, các em còn nói: “Thầy cô chắc cũng nghiện mạng xã hội như chúng em, nhưng lại khuyên học sinh cảnh giác kẻo thành… thế hệ cúi đầu”.

Các em kể bao nhiêu câu chuyện “dở khóc, dở cười” như thế. Kể những điều mà tôi chẳng biết hồi đáp lại như thế nào cho phải lẽ. Vì các em phân tích có sai chỗ nào đâu. Giáo viên dường như quên rằng hiện nay học sinh đang quan sát thầy cô mỗi ngày. Vậy thầy cô đang là gương tốt hay gương xấu cho học sinh đây?

Đơn Thun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)