Một kỹ sư xây dựng dân dụng, một thạc sĩ kinh tế và một kế toán tuổi mới đôi mươi đã cùng hẹn nhau về quê… mở lò bún sạch, tung ra thị trường.
Ba chàng trai trẻ được nhắc đến ở đây là Nguyễn Hữu Vinh (26 tuổi), Nguyễn Đăng Tôn Cảnh và Nguyễn Phước Ánh (cùng 25 tuổi, cùng trú thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong, Quảng Trị).
"Làm giàu ở quê miềng chớ đi mô cho xa"
Thôn Linh Chiểu nổi tiếng ở Quảng Trị với nghề làm bún. Chỉ ở trong cái thôn bé nhỏ này, có tới hàng chục lò bún thủ công lớn nhỏ, mang cơm no áo ấm về cho hàng trăm người dân.
Sinh ra ở Liên Chiểu, cả 3 cậu trai nói trên đều lớn lên nhờ những sợi bún trắng trong, quen với mùi khói lam mỗi đêm lò bún đỏ lửa nên đều biết sơ về nghề làm bún. Thậm chí, Cảnh và Ánh còn thuộc hàng “danh gia vọng tộc” khi có cụ cố là người được dân làng suy tôn là…tổ nghề, khi đưa nghề bún về vùng quê thuần nông này cả trăm năm trước.
Cũng bởi cái nghiệp làm bún quá quen thuộc, quá gần gũi nên những chàng thanh niên ngày đó không ai nghĩ mình sẽ “dính líu” nhiều đến cái công việc “nhà quê” ấy. Họ đi học. Trong khi Vinh theo ngành Xây dựng dân dụng (ĐH GTVT Hà Nội) thì Cảnh vào Huế học Quản trị kinh doanh (ĐH Kinh tế Huế) và Ánh học ngành kế toán tại trường CĐ kinh tế kế hoạch Đà Nẵng…
Ra trường, họ vẫn chưa về quê mà lay lắt 1- 2 năm ở xứ người tìm kiếm cơ hội. Miếng cơm ở xứ người dễ kiếm nhưng khó ngọt lành như ở quê, nên không hẹn mà gặp cả 3 cùng quay trở về làng cũ vào đầu năm 2014.
“Mình có hoàn cảnh đặc biệt hơn một tí. Vì thời sinh viên ở TP.HCM mình đã cùng 1 nhóm bạn mở công ty TNHH cộng nghệ VNZET chuyên làm về thiết kế web, đồ hoạ…Khi việc làm ăn đang hòm hòm thì mình phải về vì gia đình có biến động, anh trai mình gặp tai nạn liệt nữa người, nằm 1 chỗ. Mình trở thành trụ cột, cùng cha mẹ cáng đáng gia đình”, Vinh kể lại.
Còn Cảnh, vừa ra trường đã có công việc tại một nhà máy sản xuất xi măng tại TT-Huế. Nhưng chỉ được gần 2 năm, anh bỏ ngang để tiếp tục theo học thạc sĩ ở ĐH Kinh tế Huế. “Đang học thì nghe Vinh với Ánh rủ rê về quê…làm bún”, Cảnh gãy đầu nói.
Ngồi lại với nhau, cả ba tự nhủ rằng: “Đi mô cho xa trong khi ở làng đã có nghề truyền thống làm bún. Chỉ cần biết làm mới, phát huy nghề này, mọi thứ sẽ tươi sáng. Còn thầy cô ư, đó chính là những chú bác, cô dì trong làng, những người dành cả cuộc đời để làm ra những sợi bún ngọt lành…”.
Nghĩ là làm, họ đã vơ vét tất cả các khoản tiền tiết kiệm, vay mượn của gia đình để đóng góp vào chừng hơn 60 triệu đồng để khởi nghiệp. Thương hiệu bún sạch Vạn Linh đã ra đời như thế.
Học nhiều nhưng đi bán bún, có gì sai?
Đó là câu hỏi vừa là câu cảm thán của Vinh và Cảnh. Cả hai bảo rằng, sau này không biết thế nào chứ bây giờ, họ không hề cảm thấy ngại ngần khi phải mang từng cân bún mời chào người mua. “Đó là công sức chính đáng của bọn mình mà”, Vinh nói.
Tìm hiểu quá trình thai nghén và hoạt động của xưởng bún Vạn Linh, mới biết ba chàng trai trẻ đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Với số tiền vỏn vẹn chỉ 60 triệu đồng, họ đã rất dè xẻn để gầy dựng…ước mơ. Trong đó, họ đã dùng tiền vào việc thuê, sửa sang lại nhà xưởng; thuê máy làm bún; đóng bao bì; thuê nhân công…
“Phương châm của tụi mình là cái gì cũng phải sạch. Muốn làm ra bún sạch thì nhà xưởng phải sạch, máy sạch, bao bì sạch, nhân công cũng phải tươm tất… Tụi mình cũng có 3 không đó là: không hàn the, không chất bảo quản, không chất tẩy trắng”, Vinh nói.
Nhưng thay vì chăm chăm vào việc làm bún như mọi người, họ còn đầu tư cho website, đăng quảng cáo trên Facebook… và đăng ký nhãn mác, thương hiệu cũng như chủ động đưa mẫu đi kiểm nghiệm để đạt được các chứng nhận về an toàn thực phẩm. Mẻ bún Vạn Linh đầu tiên được đưa ra thị trường là vào ngày 24.5.2016.
“Bún Vạn Linh sinh sau đẻ muộn, nên thật khó nếu như chúng mình làm bún tươi và bán như bình thường vì đơn giản đơn giản chúng mình chỉ là những “thằng trẻ con” mới vào nghề, chưa có tiếng tăm, chưa có bạn hàng, chưa có gì cả…”, Vinh chia sẻ.
Và để tạo nên sự khác biệt, tạo nên bước đột phá, 3 bạn trẻ lần đầu tiên tung ra sản phẩm bún đóng gói, được hút chân không, có hạn sử dụng đến 2 ngày. “Ở đâu không biết chứ ở Quảng Trị, chưa ai làm sản phẩm này như tụi mình”, Cảnh nói chắc nịch.
Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, cả nhóm đã chia nhau đi mời chào hàng ở các khu chợ, các quán nhậu, các nhà hàng…trên địa bàn TP.Đông Hà. Buổi đầu khá vất vả, với khách hàng ở nhà hàng thì họ được thanh toán tiền ngay, còn ở các chợ thì họ phải làm theo kiểu ký gửi (bạn hàng có thế trả lại hàng khi không bán được).
Cảnh kể với tôi rằng, guồng quay 1 ngày của nhóm bạn trẻ khi “bén duyên” với bún tưởng như không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Bắt đầu từ chiều hôm trước họ phải chuẩn bị nguyên liệu (gạo) để rạng sáng phải đỏ lửa làm bún. Sáng sớm thì phải chở bún đi giao tại các đầu mối và buổi chiều lại bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu.
“4 tháng qua, bọn mình chưa nghỉ ngày nào. Đến thời gian yêu đương còn chả có. Riêng việc đi giao bún, bất kể nắng mưa đều phải đi. Khi hơi nản thì mình là mơ về tương lai, khi ấy, bọn mình sẽ lớn mạnh hơn và sẽ thuê nhân công để làm những việc này”, Cảnh nói, giọng đầy sinh lực.
Hiện nay xưởng bún Vạn Linh đã gồm chục nhân công, ngoài những người làm thuê thì Cảnh, Ánh phụ trách việc đi giao bún, còn Vinh thì chủ yếu lo công việc bàn giấy, quảng bá thương hiệu. Mỗi ngày, xưởng bún Vạn Linh đưa ra thị trường chừng 7 tạ bún, được đóng gói trong 2 loại bao bì (1kg có giá 10.000 đồng, 0,5 kg có giá 5.000 đồng).
“Nói thật là mấy tháng qua, chúng mình vẫn đang… lỗ. Nhưng tín hiệu đáng mừng là số lỗ đang giảm dần, tịnh tiến đến mức hoà vốn. Tin rằng, đến một ngày nào đó, những kẻ 'tay ngang' như chúng mình sẽ làm nên chuyện”, Vinh tự tin.
Nguyễn Phúc (TNO)
Bình luận (0)