Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Từ Harvard nghĩ về vị trí người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Đại học Harvard, người thầy thường có vị trí thấp nhất lớp. Đó không phải do người thầy không được tôn trọng mà là do quan niệm: thầy là người nâng đỡ người học, không phải là người đứng trên cao để truyền thụ kiến thức.

Đó là thông tin được các cựu sinh viên (SV), nghiên cứu sinh Đại học (ĐH) Harvard, Mỹ chia sẻ tại hội thảo “Harvard đã dạy và không dạy bạn những gì?”. Hội thảo do câu lạc bộ cựu SV tại Việt Nam và ĐH Fulbright Việt Nam tổ chức chiều 20/12. 

Harvard có gì hấp dẫn?

Ngay cái tên ĐH Harvard đã đủ sức hút các bạn trẻ ngồi chật hội trường của ĐH Fulbright Việt Nam để tìm cơ hội cho bản thân tại ngôi trường tập trung những người thông minh và thành đạt nhất. 

Ông Nguyễn Bảo Hoàng – Chủ tịch McDonald’s Việt Nam và Saigon Heart, người tốt nghiệp cử nhân tại ĐH lừng danh này – nói: “Vì sao Harvard nổi tiếng? Kể cả đến khi tốt nghiệp, tôi cũng không trả lời được câu hỏi này. Đây là nơi có nhiều người giỏi nhất, thu hút được nhiều đầu tư, là trường giàu bậc nhất thế giới với tài sản hiện tại hơn 40 tỷ đô la…

Được học ở đây là cơ hội đặc biệt, là nơi mình có thể ở cùng với rất nhiều người giỏi. Nguồn tài nguyên dồi dào của họ sẽ giúp người học có cơ hội phát triển, miễn sao người học có ý tưởng và năng lực thực hiện. 

Tu Harvard nghi ve vi tri nguoi thay
Sinh viên Đại học Harvard trong hoạt động ngoại khóa

Rốt cuộc thì Harvard đã dạy gì cho người học? Thạc sĩ Lê Quỳnh Trâm, tốt nghiệp thạc sĩ quản lý công, hiện là Giám đốc tuyển sinh chương trình đại học của ĐH Fulbright Việt Nam, đưa ra quan điểm: “Bạn có thể học ở những trường ĐH có xếp hạng thấp hơn ĐH Harvard vẫn có thể có được kiến thức như ở ĐH Harvard, nhưng bạn sẽ không có cơ hội gặp và học với nhiều người giỏi để cùng thực hiện những ý tưởng lớn. Họ có vô số diễn giả đỉnh của đỉnh đến chia sẻ với SV… Đó là cơ hội không phải đâu cũng có”. 

Học ở ĐH Harvard rất áp lực nên đi học vì chính bản thân mình, đừng gồng gánh thêm sứ mệnh phải làm rạng danh đất nước hay ai cả. Tôi hay bất cứ người nào cũng không trả lời được cho bạn, mà chính bạn phải tự đi tìm. Khi học tại ngôi trường này, tôi cảm nhận được hai điều lớn lao: sự công bằng, không phải cào bằng, cơ hội có thể trao cho mọi người dựa vào năng lực mà không bị giới hạn bởi hoàn cảnh; tạo cảm hứng để người học theo đuổi đam mê”. 

Học điên cuồng có phải là lời đồn?

“Ngày tôi qua đây, tôi muốn tìm hiểu mô hình giáo dục tối ưu. Thế nhưng học ở đây tôi mới phát hiện, trong giáo dục sẽ không có mô hình chung tối ưu. Slogan của ĐH Harvard là Veritas, nghĩa là sự thật. Nó là tôn chỉ giáo dục đỉnh cao, mỗi người học phải đi tìm sự thật của riêng mình".

Ông Trương Phạm Hoài Chung, thạc sĩ giáo dục tại ĐH Harvard, đồng sáng lập Stella Education,

Trước lời đồn, ở ĐH Harvard là phải học điên cuồng. Mỗi ngày, SV không thể đi ngủ trước 4-5g sáng, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh: “Học ở ĐH Harvard phải học thâu đêm đến 4-5g sáng là không thật. Cả sáu diễn giả ngồi đây chỉ có một người phải học sau 24g vì cô ấy có con nhỏ. Như tôi làm tiến sĩ trong ba học kỳ thì chỉ có ba lần phải thức sau 24g vì viết bài phát biểu cho hội SV. Chúng tôi không học kiểu mọt sách, phải tính bằng hiệu suất học tập”. 

Chị Lê Quỳnh Trâm kể, vì vừa chăm con vừa học cao học nên toàn phải học sau 24g khi con đã ngủ. Chị nói: “Thầy cô lẫn bạn bè đều đỉnh nên mình nghĩ vào đó sẽ tiếp cận với môi trường cơ hội rộng lớn, nhưng mình không hình dung được nó lớn như vậy. Xung quanh, ai cũng rất ngầu, 100 người thì phải đến từ 90 nước, ai cũng mang đến đấy những khao khát lớn và đi tìm câu trả lời. Mình hoài nghi người xét duyệt mình vào đây có ngủ gật không? 

Ở ĐH Harvard có 76 thư viện. Tiếp xúc với mọi thứ rộng mở quá, mình cảm thấy tiếc vì đã trải qua 30 năm học ở Việt Nam. Ước gì mình có nền tảng tốt hơn, có những trải nghiệm và kỹ năng như các bạn thì sẽ tốt hơn. Ở đây, họ bàn thảo những vấn đề rất lớn, rất rộng chứ không gói gọn như học ở Việt Nam”. 

Tu Harvard nghi ve vi tri nguoi thay
Giảng đường Trường ĐH Harvard

Anh Hoài Chung cho rằng, học ở ĐH Harvard phải thức sau 24g là bình thường, không phải để hoàn thành chỉ tiêu bài vở mà vì có quá nhiều thứ hay ho để tiếp cận. Nguồn tư liệu quá nhiều, không làm sao học cho hết. 

Chẳng hạn, trước khi đến gặp giáo sư phải đọc cả trăm trang tài liệu. Tức là mình khổ vì mình. Muốn học ở ngôi trường không phải ai cũng học được thì phải chấp nhận những trải nghiệm cảm giác mà chỉ có ở đó. Học ở Harvard chưa bao giờ là dễ dàng.

Còn ông Nguyễn Bảo Hoàng kể: “Hồi đó, khi nhận giấy báo nhập học, tôi không biết nhiều về ĐH Harvard, chỉ biết đó là trường lâu đời, nổi tiếng và có nhiều giáo sư giỏi, đoạt nhiều giải Nobel… Khi bước vào là cả sự ngạc nhiên lẫn hụt hẫng. Chưa bao giờ mình ở cùng với nhiều người đến từ nhiều đất nước, nhiều thành phần xã hội như vậy. 

Bài học đầu tiên nơi đây dạy mình là phải khiêm tốn. Khi học phổ thông, mình là học sinh số một ở trường, học giỏi nhất và vì thế rất được yêu thương. Nhưng khi vào đây mình chỉ là loại trung bình, không có gì đặc biệt so với những người xung quanh, thật sự cảm thấy stress. Và sau đó phải tìm cách vượt qua”. 

Người thầy có vị trí thấp nhất

Nhiều người từng tốt nghiệp ở ngôi trường danh giá này chia sẻ chi tiết thú vị: ở ĐH Harvard, ông thầy có vị trí thấp nhất trong lớp học. Đó không phải là sự thiếu tôn trọng mà tại thánh đường học thuật này, ông thầy có nhiệm vụ nâng tầm cho người học chứ không phải đứng trên cao truyền đạt kiến thức. 

Chị Doãn Hoàng Lan, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard năm 2016, tự hào nói: “Thầy giáo ở ĐH Harvard rất giỏi nhưng cái giỏi của họ không phải là kiến thức mà giỏi ở chỗ biết khơi gợi cho người học. 

Mỗi người học có trình độ, tư duy và nền tảng khác nhau nhưng họ vẫn tôn trọng, khơi gợi để từng người học cảm thấy mình là một phần trong câu trả lời đó. 

Thứ hai, họ cho mình sự tự tin, giúp mình có suy nghĩ riêng, tự tin vào sự thông minh để đứng trước 100 con người thông minh khác mà nói ra câu trả lời của mình”. 

"Ở ĐH Harvard giáo sư sẽ hông nói cho bạn phải nghĩ như thế nào, cũng không thường đưa ra ý kiến. Bạn không chỉ học từ thầy mà có thể học từ 100 người bạn. Họ sẽ cho bạn thấy có rất nhiều cách để nhìn nhận một vấn đề, không có gì là đúng hay sai tuyệt đối. Bạn phải là người đưa ra kết luận của chính mình. Thời gian học ở đây, mình có nhiều cơ hội giao lưu với nhiều người có hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người có cách nhìn riêng, mình phải học tôn trọng cách nhìn của người khác và bảo vệ cái nhìn của mình”.

Chị Doãn Hoàng Lan, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard.

Tiêu Hà/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)