Đã gần cuối năm và thời điểm “nghỉ lấy sức” để chuẩn bị cho những dự án sẽ bùng nổ vào cuối năm, như thông lệ thường thấy ở thị trường ca nhạc, nhưng xem ra thị trường nghỉ ngơi dài hạn thực sự chứ không còn “nghỉ lấy sức” như trước kia nữa. Dù cũng có vài live show được tổ chức nhưng trong thời buổi thị trường âm nhạc bão hòa như hiện nay, việc tổ chức một live show dường như chỉ để nghệ sĩ giữ khán giả hơn là kiếm lời.
Đầu tư hàng tỷ đồng
Chi phí thực hiện live show Diamond của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vào tháng 10, theo thông tin mới nhất, đã vượt xa con số 9 tỷ đồng (như dự kiến ban đầu) và cán mốc 12 tỷ đồng cho 3 đêm nhạc tổ chức ở TPHCM và Hà Nội, nhằm kỷ niệm 20 năm ca hát.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ, người tiếp tục sát cánh cùng Đàm Vĩnh Hưng với vai trò tổng đạo diễn trong cuộc chơi này, cho biết sở dĩ có con số chênh lệch khá lớn bởi nhiều khoản chi phí phát sinh ngoài dự định không lường trước được, như sàn sân khấu sẽ được lát gương, tổng diện tích màn hình LED sử dụng 440m².
Về nhân sự, ngoài ca sĩ còn có 130 vũ công và 40 nhân viên phục vụ công tác hậu đài. Trang phục của diễn viên múa lên đến 200 bộ được may mới hoàn toàn với chi phí hơn 3 tỷ đồng, chưa kể trang phục của nhân vật chính.
Các thí sinh tham gia cuộc thi tìm kiếm vũ công cho live show kỷ niệm 20 năm ca hát của Đàm Vĩnh Hưng
Hiện việc đầu tư tiền tỷ để thực hiện live show không còn là chuyện lạ. Từ đầu năm trở lại đây, có thể điểm danh hàng loạt live show được tổ chức với số tiền đầu tư lên tới hàng tỷ đồng như live show Cảm ơn đời của ca sĩ Đan Trường được ông bầu Hoàng Tuấn tiết lộ mức đầu tư 6 tỷ đồng. Live show Đời ca sĩ của ca sĩ Trần Quang Hiếu đầu tư gần 5 tỷ đồng hay The Impact – Những ngôi sao mới của nhóm 365 tiêu tốn của bà bầu Ngô Thanh Vân hơn 5 tỷ đồng. Trong khi nhạc sĩ Việt Anh cũng phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để thực hiện live show Dòng sông lơ đãng; live show Bình tĩnh sống kỷ niệm 10 năm hoạt động nghệ thuật của MC Trấn Thành cũng có chi phí lên tới 5 tỷ đồng. Mới nhất live show Kẻ chọc cười dân dã kỷ niệm 40 năm theo nghiệp diễn của nghệ sĩ Xuân Hinh được công bố số tiền đầu tư 10 tỷ đồng cho đêm diễn duy nhất.
Khó thu hồi vốn
Việc tổ chức một live show được đầu tư với kinh phí lớn không chỉ cho thấy sự “chịu chơi” của các nghệ sĩ mà ở một góc nhìn tích cực, nó minh chứng cho sự tâm huyết, hướng đến các chương trình nghệ thuật chỉn chu và đẳng cấp. Đó là điều đáng trân trọng, nhất là trong thời buổi thị trường ca nhạc bão hòa như hiện tại và các live show luôn đứng trước nguy cơ ế ẩm.
Chính vì vậy, một câu hỏi luôn được đặt ra trong rất nhiều cuộc họp báo chính thức về live show của hàng loạt ca sĩ là: “Đầu tư kinh phí tiền tỷ như vậy có sợ lỗ hay không?”. Và câu trả lời thường là bỏ ngỏ. Quả thật, một live show thuần về bán vé chứ không liên quan đến tài trợ muốn thu hồi vốn hiện nay gần như là điều bất khả kháng. Làm được điều này hiện nay may ra chỉ có vài cái tên như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng…
Khán giả đến xem live show Bình tĩnh sống của Trấn Thành diễn ra hồi tháng 3-2016 tại sân khấu Trống Đồng, TPHCM
Theo tính toán của dân trong nghề, live show Cảm ơn cuộc đời của ca sĩ Mạnh Quỳnh dù không công bố lợi nhuận nhưng với hơn 2.000 khán giả ở Nhà hát Hòa Bình và giá vé dao động 300.000 – 2,5 triệu đồng tùy vị trí ngồi thì nắm chắc phần lỗ. Trong khi show Đời ca sĩ của ca sĩ Trần Quang Hiếu gần như mất trắng 5 tỷ đồng vì chỉ bán được 60% vé. Một trường hợp được cho là may mắn là nhạc sĩ Việt Anh khi mà live show Dòng sông lơ đãng của anh lỗ khá ít, chỉ 100 – 200 triệu đồng.
Chính vì vậy, câu trả lời chung của các nghệ sĩ khi thực hiện những live show tiền tỷ đa phần là để kỷ niệm một hành trình đi hát và cũng để tri ân khán giả đã yêu quý mình, nên việc bỏ tiền tỷ cho một đêm hát cùng khán giả không có gì là lo ngại.
Các nghệ sĩ trong live show Dòng sông lơ đãng
Cứ nhìn vào tên tuổi và sức hút như Đàm Vĩnh Hưng ở thời điểm hiện tại (minh chứng rõ nhất là sau 1 ngày mở bán vé cho đêm diễn tại Hà Nội đã bán khoảng 2 tỷ đồng cho các hạng ghế và tình hình bán vé cho đêm diễn tại Nhà hát Hòa Bình cũng rất khả quan, thậm chí 20 vé VIP với giá bán 1.000 USD cũng đã được các fan mua hết) thì vẫn có dằng dặc tên các nhà tài trợ đồng hành live show của anh.
Nói về kinh phí đầu tư cho live show lên đến tiền tỷ như hiện nay, đạo diễn Trần Vi Mỹ cho rằng đó là điều đương nhiên. “Chuyện những live show đẳng cấp, hoành tráng hiện nay đầu tư hàng tỷ đồng theo tôi là bình thường. Bạn muốn công nghệ hiện đại, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại, kỹ xảo sân khấu hiện đại… thì số tiền phải bỏ ra tương ứng là đương nhiên.
Tuy nhiên, số tiền đầu tư với chất lượng live show là hai chuyện khác nhau. Bất kỳ ai có tiền cũng có thể làm một live show “khủng”, nhưng live show “khủng” chưa hẳn làm nên đẳng cấp một nghệ sĩ. Đẳng cấp một nghệ sĩ thuộc về tài năng, sự lao động nghiêm túc trong nghệ thuật cũng như những giá trị mà họ mang đến cho xã hội”, đạo diễn Trần Vi Mỹ bày tỏ quan điểm.
GIA BÌNH/ SGGP
Bình luận (0)