Sáng 29-9, UBND TP.HCM đã tổ chức Lễ ra mắt hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115 tại TP.HCM. Đến dự có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, Giám đốc Công an TP Lê Hồng Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Lê Quốc Cường và đại diện các sở, ngành khác.
Lễ ra mắt hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông 113 – 114 – 115 tại TP.HCM. Ảnh: N.Trinh
Theo Sở TT-TT, hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông hoạt động hoàn toàn trên nền tảng công nghệ IP (Internet Protocol) với các tính năng mang lại tiện ích cho người dân. Khi cần yêu cầu hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, người dân chỉ cần gọi đến một trong 3 đầu số 113 – 114 – 115 sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng.
Mặt khác, thông qua ứng dụng HCMC EOC trên App Store hoặc Google Play, người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh để liên hệ đến các cơ quan chức năng khi cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông còn hỗ trợ công tác tiếp nhận, xử lý của tổng đài viên 113 – 114 – 115. Dựa trên thông tin phản ánh của người dân, tổng đài viên có thể xác định được số điện thoại, định vị vị trí của cuộc gọi trên bản đồ, địa chỉ của người gọi, lịch sử các cuộc gọi từ số điện thoại đang gọi đến, cho phép đánh dấu phân loại các cuộc gọi quấy rối.
Hệ thống cũng cho phép thống kê, truy xuất dữ liệu cuộc gọi với các số liệu chi tiết nhất giúp các cơ quan chức năng có thể chủ động trong công tác dự báo tình hình an ninh trật tự, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn để có kế hoạch chuẩn bị, điều phối trong công tác ứng cứu khẩn cấp tại TP.HCM.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Dương Anh Đức cho biết, việc triển khai nâng cấp và vận hành hiệu quả hệ thống nâng cấp tổng đài khẩn cấp liên thông nhằm phục vụ cuộc sống người dân tốt hơn là một trong những yêu cầu đã được đặt ra. Hệ thống nằm trong Đề án xây dựng TP.HCM trở thành “đô thị thông minh”.
“TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc liên thông các số điện thoại khẩn cấp 113 – 114 – 115; cũng như áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới, tương tự mô hình nhiều nước phát triển đang áp dụng. Trước đó, năm 2015, TP bắt đầu triển khai mô hình liên thông các tổng đài khẩn cấp 113 – 114 – 115. Đến ngày 1-7-2020, hệ thống tổng đài khẩn cấp 113 – 114 – 115 đã chính thức đi vào hoạt động. Đây được xem là một trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, cứu hộ cứu nạn thống nhất thông qua một cổng số duy nhất, góp phần vào công cuộc xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, ông Đức nhấn mạnh.
Để tiếp tục đảm bảo công tác quản lý, vận hành hệ thống tổng đài trong thời gian tới, ông Đức đề nghị Sở TT-TT khẩn trương phối hợp với các đơn vị trực tiếp vận hành hệ thống xây dựng và trình ban hành quy chế quản lý hoạt động, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Phối hợp với Công an TP, Sở Y tế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ TT-TT về việc thí điểm chọn một đầu số duy nhất làm đầu số khẩn cấp trong số các đầu số đang sử dụng hiện nay là 113 – 114 – 115.
“Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với bất kỳ đô thị nào, đặc biệt quan trọng hơn đối với TP.HCM khi mật độ dân số rất cao và hàng ngày có nhiều sự cố xảy ra. Để đảm bảo phục vụ cuộc sống người dân tốt hơn, đòi hỏi người dân TP cũng phải phối hợp với các lực lượng chức năng để phát huy tốt vai trò của hệ thống tổng đài”, ông Đức nhấn mạnh thêm.
Theo Sở TT-TT, thời gian tới, hệ thống tiếp tục được nâng cấp, cho phép kết nối với dữ liệu hệ thống camera trên địa bàn, kết hợp tính năng định vị cuộc gọi, hỗ trợ tổng đài viên xác định, nắm bắt tình hình thực tế hiện trường xảy ra sự việc, từ đó thuận tiện phân loại tính chất sự cố, phát hiện các tình huống cảnh báo giả, quấy rối.
Hệ thống sẵn sàng tích hợp tính năng định vị phương tiện cấp cứu y tế, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; có thể đề xuất lộ trình di chuyển ngắn nhất, thuận tiện nhất để hỗ trợ tổng đài viên điều phối và hướng dẫn các lực lượng đến vị trí cần được ứng cứu trong thời gian nhanh nhất…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)