Trước hết, những người làm công tác giáo dục không ai là không một lần phạt học sinh. Phạt học sinh là một trong những biện pháp giáo dục, là công cụ để người thầy sử dụng nhằm hướng học sinh đến những điều tốt đẹp trong quá trình nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện nhân cách. Thế nhưng, phạt như thế nào để học sinh, phụ huynh và xã hội tâm phục khẩu phục là bản lĩnh và kỹ năng sư phạm của người thầy.
Trước đây, học sinh bị phạt quỳ gối, đánh đòn, úp mặt vào tường, bắt trực nhật, lau bàn ghế…, xã hội vẫn chấp nhận; còn bây giờ những hình thức phạt ấy bị lên án và xa lạ với phương pháp giáo dục mới. Ngày nay, thầy cô dường như rất sợ phạt học sinh, nhất là phạt đánh đòn. Chẳng may thầy cô nào mà giận quá không kiềm chế được đánh học sinh sẽ bị quy là “bạo lực học đường” và sự nghiệp giáo dục của mình có nguy cơ ở “cuối đường hầm”. Chính vì lẽ đó mà nhiều hình thức phạt mới do thầy cô nghĩ ra và áp dụng.
Để cho học sinh mình tiến bộ, một số thầy cô lại nghĩ ra cách phạt rất mới, đó là phạt tiền khi các em lười học. Theo tôi, cách phạt này rất phản cảm. Chưa vội bàn đến hệ lụy của nó đối với gia đình những học sinh còn nhiều khó khăn về kinh tế. Lo cho con đủ ăn, đủ mặc đến trường cũng đã khó, lo cho con có tiền để nộp phạt cho nhà trường lại càng khó hơn. Điều nhãn tiền mà ai cũng thấy là những giờ lên lớp của thầy cô áp dụng cách phạt này đã thương mại hóa tri thức làm vẩn đục môi trường sư phạm. Thầy cô sẽ nghĩ gì trước khi vào lớp để bắt đầu tiết học, các em rủ rỉ với nhau là đã chuẩn bị tiền nộp phạt sẵn, một số em không có thì vay mượn bạn bè để nộp vì không học bài, và thầy cô có biết đâu vô hình trung mình đã tạo ra thói quen xấu cho các em nói dối để xin tiền cha mẹ; đồng thời đôi khi dẫn các em đến việc trộm cắp để có tiền nộp phạt. Điều này ta không thể không trách những em lười học nhưng cũng phải trách các thầy cô đã đề ra biện pháp phạt học sinh không mang tính sư phạm này.
Suy cho cùng, thầy cô đề ra biện pháp phạt này cũng chính là mong muốn cho học sinh mình tiến bộ hơn, nhưng họ lại quên mất một điều cơ bản: Phạt cũng là cách giáo dục. Và cách giáo dục này là phản sư phạm, ẩn chứa trong đó mầm mống không lành mạnh trong suy nghĩ của các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hòa Nhơn
Bình luận (0)