Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Vì sao trường đại học săn thí sinh giỏi ngoại ngữ ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong vài năm trở lại đây, các trường đại học có xu hướng tập trung tuyển chọn người giỏi ngoại ngữ.
Thí sinh làm bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 	 /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thí sinh làm bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Những thí sinh có ưu thế về ngoại ngữ sẽ được ưu tiên tuyển chọn dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp hơn.
Chấp nhận lấy thí sinh thấp điểm hơn nhưng giỏi ngoại ngữ
Ưu tiên xét tuyển thí sinh (TS) giỏi ngoại ngữ vào học đại học (ĐH) là xu hướng ở rất nhiều trường, kể cả những trường tốp đầu. Trong đó, phổ biến nhất là việc ưu tiên xét tuyển TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Thậm chí có trường chấp nhận lấy TS có tổng điểm thi thấp hơn nhưng giỏi ngoại ngữ, như Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Từ năm 2019, Trường ĐH Y Dược TP.HCM dành 25% chỉ tiêu ngành y khoa và dược học cho phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (IELTS 6.0 hoặc tương đương trở lên). TS nộp hồ sơ theo phương thức này cần có chứng chỉ tiếng Anh, sau đó xét tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển từ cao xuống thấp. Năm 2020 phương thức này được mở rộng thêm 2 ngành răng – hàm – mặt và điều dưỡng.
Nhiều trường ĐH có điều kiện tiếng Anh đầu vào
Một số trường ĐH yêu cầu sinh viên trúng tuyển phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chẳng hạn, ngưỡng tiếng Anh đầu vào khi nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Việt Đức là IELTS 5.0 hoặc tương đương. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn yêu cầu đầu vào với chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh từ 5.5 IELTS hoặc tương đương…
Đáng chú ý, ngay từ năm đầu tiên, đề án tuyển sinh trường này đã chấp nhận chọn TS giỏi ngoại ngữ dù có tổng điểm thi thấp hơn TS không xét chứng chỉ tiếng Anh. Trên thực tế, năm 2019 điểm chuẩn ngành y khoa cho TS có chứng chỉ quốc tế thấp hơn 2 điểm so với nhóm TS chỉ xét riêng điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm 2020 khoảng cách này rút ngắn lại nhưng vẫn lệch gần 1 điểm.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết sau 2 năm triển khai, số TS trúng tuyển bằng phương thức kết hợp này tăng lên. Từ chỗ không tuyển đủ 25% chỉ tiêu ngành y khoa và dược học năm đầu tiên thì năm 2020 đã tuyển đủ cho 3 ngành (trừ điều dưỡng). Điều này cho thấy người học đã dần có sự chuẩn bị cho phương thức tuyển mới này.
“Trường dự kiến tiếp tục sử dụng cách xét tuyển này cho năm 2021 và mở rộng từ từ ra nhiều ngành. Hiện các chương trình đào tạo của trường đang triển khai theo các dự án mới đòi hỏi người học có kỹ năng tiếng Anh để học tập, đặc biệt là đọc tài liệu tiếp cận với kiến thức y học mới nhất của thế giới”, ông Khôi cho hay.
Trong số 5 phương thức xét tuyển năm 2020 của Trường ĐH Ngoại thương cũng có 2 phương thức chính sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (kết hợp với kết quả học tập THPT, kết hợp với điểm 2 môn kỳ thi tốt nghiệp). Ngay phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường cũng áp dụng nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ với nhiều ngành. Trong các tổ hợp xét tuyển, ngay từ đầu trường thông tin lấy TS xét bằng tổ hợp chứa môn ngoại ngữ thấp hơn các tổ hợp khác từ 0,5 – 2 điểm tùy tổ hợp môn.
Xét môn tiếng Anh để tăng chuẩn đầu ra ngoại ngữ
Thống kê của Bộ GD-ĐT các năm qua cho thấy tỷ lệ thí sinh sử dụng các tổ hợp môn tiếng Anh để xét tuyển chưa nhiều. Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng thấp so với mặt bằng chung. Dù vậy, vài năm gần đây các trường ĐH vẫn có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế các môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn ngay từ đầu vào.
Theo phương án tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH Mở TP.HCM có tới 3 cách xét ưu tiên TS giỏi ngoại ngữ. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, tất cả ngành đào tạo đại trà của trường đều có từ 1 – 3 tổ hợp môn có chứa môn ngoại ngữ, riêng chương trình chất lượng cao tất cả các tổ hợp đều chứa môn này. PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT thì tổ hợp môn bắt buộc phải có môn chính (văn hoặc toán). Ngoài ra, trường sẽ cân nhắc 1 môn quan trọng phù hợp với ngành đào tạo và môn còn lại liên quan đến ngoại ngữ trong quá trình xây dựng các tổ hợp xét tuyển.
Theo PGS-TS Hà, cùng với phương thức xét tuyển TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, việc tăng cường môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển nhằm hướng đến mục tiêu ưu tiên người có ưu thế ngoại ngữ hơn trong số các TS cùng năng lực. “Sinh viên vào trường cần đọc được tài liệu bằng tiếng Anh. Hiện nay chuẩn tiếng Anh đầu ra của trường đang ở mức 5.0 IELTS nhưng sắp tới có thể tiếp tục nâng lên. Tốt nghiệp, sinh viên giỏi ngoại ngữ ra trường cơ hội việc làm cao hơn”, ông Hà nói thêm.
Trước năm 2018, Trường ĐH Nha Trang chỉ có 1 tổ hợp có môn ngoại ngữ cho ngành ngôn ngữ Anh. Nhưng đến nay trường có gần 10 ngành có điểm sàn tiếng Anh đầu vào bên cạnh điểm thi theo tổ hợp môn. Trong số 11 tổ hợp môn đang áp dụng tại trường này có 6 tổ hợp chứa môn ngoại ngữ. Thống kê của trường cho thấy, năm 2020 trường có gần 850 TS trúng tuyển bằng các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ, cao gần gấp đôi năm trước đó. Năm 2021, trường này có 50% số ngành có điều kiện phụ là điểm sàn tiếng Anh và thực hiện xét tuyển thẳng với TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Nói về sự điều chỉnh này, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết việc áp dụng điều kiện phụ môn tiếng Anh hiện mới ở các ngành kinh tế, du lịch và xã hội nhân văn. Nhưng theo lộ trình trong 2 năm tới sẽ tiến tới áp dụng cho tất cả các ngành. “Điều chỉnh ngay từ chính sách tuyển sinh đầu vào này nhằm tăng chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học ĐH trong bối cảnh mới”, ông Phương chia sẻ.
Nhận thức tầm quan trọng của kỹ năng này trong tương lai, nhiều trường ĐH khác cũng thực hiện ưu tiên xét tuyển TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong phương án tuyển sinh năm 2021.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)