Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Đường 9 – Nam Lào (23-3-1971/ 23-3-2021), tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”.
Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971”
Dự hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Hội thảo còn có sự tham dự của nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Trị, các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử từng tham gia Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đã ôn lại lịch sử về chiến thắng hào hùng của Đường 9-Nam Lào: “Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiến hành Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971 và giành thắng lợi vang dội. Chiến thắng này là mốc quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội Ngụy, phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh của Mỹ và chính quyền Ngụy Sài Gòn. Đồng thời đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Thắng lợi đó còn là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào”.
Việc tổ chức hội thảo nhằm nghiên cứu, đánh giá, phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước cuối năm 1970 và đầu năm 1971; phân tích âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền, quân đội Ngụy trong thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; mục đích, biện pháp của Mỹ và chính quyền, quân đội Ngụy trong kế hoạch hành quân “Lam Sơn 719"; nỗ lực ứng phó của chúng trước đòn phản công Đường 9 – Nam Lào của Quân đội ta. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) trước tình hình Mỹ và chính quyền, quân đội Nguỵ thay đổi chiến lược từ “phi Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”…
Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học; nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971. Các đại biểu phát biểu tham luận đã đề cập một cách đa dạng, xoay quanh chủ đề, mục đích hội thảo. Trong đó đặc biệt tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản, như: Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào 1971 là một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta; Chiến thắng này đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đồng thời đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hay, Chiến thắng là sự biểu hiện sinh động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào…
Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam…
Tại hội thảo, ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh: “50 năm qua, Chiến thắng Đường 9 – Nam Lào luôn in đậm trong lòng người dân Quảng Trị, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng đó, tỉnh Quảng Trị đã biến những bất lợi, khắc nghiệt của thiên nhiên thành tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, Đường 9 năm xưa với chiến công lẫy lừng nay đã trở thành hành lang kinh tế nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, với điểm khởi đầu phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển Mỹ Thủy trên đất Quảng Trị…”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)