Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm, vào tháng 6. Thí sinh sẽ làm 5 bài thi, trong đó 3 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp gồm khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Đặc biệt, trừ môn văn, còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm.
Năm 2017, trừ môn ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại sẽ thi trắc nghiệm. Ảnh: Thí sinh tại TP.HCM thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: M.Tâm |
Rất nhiều điểm mới vừa được Bộ GD-ĐT công bố trong phương án chính thức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2017 mà học sinh và giáo viên các trường THPT cần nắm bắt để điều chỉnh kế hoạch ôn tập…
Thi trong… 2 ngày
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, phương án thi chính thức không có thay đổi lớn so với dự thảo. Theo đó, bộ vẫn giữ nguyên hình thức thi trắc nghiệm hầu hết các môn, trừ môn ngữ văn. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2017 được rút gọn từ 4 ngày xuống còn 2 ngày diễn ra trong tháng 6.
Thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi, điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cô Nguyễn Thị Ánh Mai (Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, TP.HCM): Hạn chế được thực trạng học thêm
Phương án thi THPT quốc gia năm nay đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế từ các kỳ thi trước đó. Đồng thời nó cũng hạn chế được việc học tủ, học lệch của học sinh, hạn chế được thực trạng học thêm để luyện thi ĐH đang diễn ra. Hình thức thi trắc nghiệm cũng đang là xu hướng của nhiều quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, thời gian thực hiện phương án này theo tôi quá gấp gáp, sẽ gây ra sự xáo trộn về mặt tâm lý cho học sinh bởi các em đã có định hướng lựa chọn môn thi để xét tuyển ĐH từ năm lớp 10, lớp 11. Sự thay đổi này khiến các em buộc phải lựa chọn hoặc thay đổi 1-2 môn thi cho phù hợp với tổ hợp bộ môn Bộ GD-ĐT công bố. Về lâu dài, hình thức bài thi trắc nghiệm theo hướng tích hợp sẽ khiến học sinh thích thú và phù hợp với việc đổi mới chương trình phổ thông hơn là bài thi trắc nghiệm theo hướng tổ hợp. N.Anh (ghi) |
Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài, gồm 2 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài (điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp) và có thể chọn thi thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH-CĐ nếu có nguyện vọng…
Cũng theo ông Ga, phương án thi chỉnh sửa đã giải tỏa được 3 vấn đề mà dư luận còn băn khoăn tại dự thảo ban đầu liên quan đến bài thi tổ hợp, hình thức trắc nghiệm và tính nghiêm túc của kỳ thi khi giao Sở GD-ĐT chủ trì. So với dự thảo công bố ban đầu, phương án thi chính thức có điều chỉnh tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài. Cụ thể, đề thi cho mỗi môn thành phần trong bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu). Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là 50 phút (150 phút/bài thi). Đề thi toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 90 phút, đề thi ngoại ngữ có 50 câu hỏi làm trong 60 phút. Riêng bài thi ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút.
Đầu tháng 10 công bố đề thi minh họa
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, từ năm 2007, bộ đã tổ chức thi trắc nghiệm 4 môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học và sinh học. Năm 2013, bộ giao ĐHQG Hà Nội tổ chức thi trắc nghiệm để đánh giá năng lực, kết quả được đánh giá rất tốt. Vì thế, năm 2017 thi trắc nghiệm với hàng rào kỹ thuật đảm bảo tính công bằng, khách quan là chấm điểm bằng máy quét, thí sinh có mã đề riêng, không quay cóp được. Đầu tháng 10 bộ sẽ công bố đề thi minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo, ôn tập. Sau khi thi trắc nghiệm trên giấy, có điều kiện thí sinh sẽ tiệm cận dần với bài thi trên máy cũng như bài thi tổ hợp dần dần sẽ được thay thế bằng bài thi tích hợp trong năm 2018.
Lực lượng làm đề thi lần này được bộ huy động là các giáo viên THPT, chuyên gia ở các viện nghiên cứu, giảng viên ĐH am hiểu THPT, xét tuyển ĐH, có trình độ, kinh nghiệm để phân nhóm ra đề. Hầu hết các môn thi trắc nghiệm, bộ không tiến hành từ con số 0 mà kế thừa ngân hàng đề thi của ĐHQG Hà Nội. Theo tính toán, mức độ trùng lặp các câu hỏi trong đề thi khoảng 20%.
Về khả năng phân hóa khi thi trắc nghiệm, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) giải thích: “Hai năm trước, đề thi thiết kế ở mức độ cơ bản chiếm 60% để xét tốt nghiệp; phân hóa, nâng cao khoảng 40% để xét tuyển ĐH. Tương tự, năm nay, bộ cũng sẽ có ma trận các câu hỏi được tính toán hợp lý”.
T.Lam – M.Tâm
4 phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2017 sẽ gồm 4 phương thức sau:
– Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia: Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Bộ quy định, chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau, trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D). Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH-CĐ, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất của các em, công khai danh sách để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào những điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết. Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.
– Sơ tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh: Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan. Đồng thời, phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.
– Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT: Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai. – Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh: Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh, đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh. |
Bình luận (0)