Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đã mang lấy nghiệp vào thân!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giờ giải lao, một bạn đồng nghiệp nói với tôi: “Vừa rồi giảng bài “kinh” thế? Mãi vậy chịu sao thấu?”. Ừ! Biết trả lời với bạn làm sao? Là giáo viên văn chỉ biết nói với giáo viên văn. Đại khái thế này: “Đêm, soạn bài, nhiều khi phải lật tung cả kệ sách để truy tìm một chi tiết nhỏ nào đó, ghi vào giáo án; đổi hàng giờ để lấy một đôi dòng ngắn ngủi. Lãng phí ư? Không, lúc ấy thật vui. Đi ngủ với tâm trạng lâng lâng, có khi miệng còn lầm rầm câu văn, câu thơ nào đó như người mớ ngủ. Để mai đến lớp giảng hăng say – con ong âm thầm đang quyết tâm làm mật. Trống gõ “tùng”, thầy mới hay hết tiết. Ra chơi, thở nhẹ; ra về, thở dốc. Lòng thầm nhủ lần sau nói bơn bớt. Nhưng tối về lại lật tung kệ sách kiếm tìm; để rồi… sáng hôm sau lại tiếp tục cái điệp khúc “rút ruột nhả tơ”. Người không hiểu phán một câu… xanh lè: “Dạy văn chỉ tán gẫu dông dài”. Đau lòng, định tranh luận. Nhưng rồi im lặng, vì biết có nói ra, người ta cũng không hiểu được mình; và vì… đang rất cần thời gian để nghỉ ngơi.

Người thầy môn tự nhiên, trong giờ dạy có thể “lạnh lùng” truyền giảng kiến thức; người thầy môn xã hội – đặc biệt là môn văn – thì không thể (và không nên) có cái phong cách lạnh lùng ấy được. Sợi dây tâm lý của thầy nhiều khi căng thẳng đến tận cùng, rung những cung bậc hình sin: sang sảng oai nghiêm lúc đọc Bình Ngô đại cáo; bừng bừng quyết liệt khi chia sớt cái nỗi “… ruột đau như cắt” trong Hịch tướng sĩ; nghẹn ngào chết lịm khi Thúy Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường… Dạy văn mà không biết “khóc” thì chỉ là nói văn. Có điều nước mắt không có hình thể. Nó chỉ chảy lan từ trái tim người thầy sang tâm hồn học sinh. Thầy không phải là diễn viên tuồng tích. Nhưng những lời giảng đầy ắp hình ảnh, sống động, giàu cảm xúc của thầy không chỉ giúp học trò được xem, được nghe, được rung cảm mà còn như đang được dự phần vào…

Thuyết trình nhiều, bị trách; nhưng hỏi đáp nhiều chưa chắc đã hay. Vụn vặt nhiều khi giết chết mạch cảm hứng của người thầy. Còn đâu là văn chương khi dạy bài ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen”, thầy hỏi: “Trong đầm gì đẹp bằng gì?”. Trò đồng thanh: “Bằng sen”. Giỏi. “Thế, lá xanh bông trắng lại chen nhị gì?”. Trò: “Nhị vàng”. Cứ thế, cho đến câu cuối, khi thầy hỏi: “Gần gì mà chẳng hôi tanh mùi gì?” thì… hỡi ơi, câu ca dao ngọt ngào duyên quê ấy bỗng bốc mùi còn hôi hơn cả… bùn. Vậy nên, giảng lúc nào và dừng lại lúc nào, hãy để cho người thầy tự định đoạt. Vì sự kì ảo của văn chương dị ứng với bất kì một khuôn mẫu nào.

Trong cơn lốc của kinh tế thị trường, văn chương thường bị xem như món hàng bèo giá. Vẫn biết văn chương chỉ cáo chung khi hành tinh này biến mất. Nhưng người thầy vẫn cảm thấy buồn trước thực trạng – ngày nay – người ta thích đọc văn chứ không thích học văn. Điều ấy lỗi một phần do nội dung chương trình, và lỗi nhiều phần do giáo viên đứng lớp – nhiều người không được đào tạo chu đáo, thiếu cả cái tài lẫn cái tâm. Dạy văn mà khô như ngói. Chả trách khi có học sinh áp dụng bài văn mẫu thầy cô đã dạy để nhập đề “Nhà em có nuôi một ông ngoại”(!)

Nhiều khi buồn quá, bản thân tôi cũng đã có lúc nghĩ đến việc giã từ “sự nghiệp trồng người” cao quý, hát câu tình tang “Cống hỉ méc xì” như kiểu Tú Xương cho quên hết cái sự đời. Chay tịnh sạch sẽ, chuẩn bị gác phấn thì đêm ấy thấy cụ Nguyễn Du hiện về, ném cho một cây xăm. Chữ rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”…

Tôi lại tiếp tục cái nghiệp chướng của đời mình – ngày ngày rút ruột nhả tơ. Để rồi khi thật thanh thản, bên những người đồng nghiệp luôn tâm huyết với nghề, bên nhiều học trò dù ra trường nhiều năm vẫn luôn nhắc nhớ đến mình, tôi lại mỉm cười mãn nguyện khi mình là thầy giáo dạy văn.

Võ Hùng Việt
(Phan Thiết, Bình Thuận)

Bình luận (0)