Bước thụt lùi?
Một trong những nội dung gây tranh cãi lớn nhất hiện nay đối với Thông tư 18 là bài báo khoa học của nghiên cứu sinh. Thông tư quy định có bài trong tạp chí WoS/Scopus hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên…
Theo GS. TS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài.
Ông Trung cho rằng, quy chế mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của quy chế cũ. Trong khi đó, phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường ĐH, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện.
“Tôi đã từng thấy có tác giả có đến 5 bài đăng trong cùng một số báo. Không có mấy người đọc các tạp chí loại này. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài, tạo kẽ hở cho việc ra đời các tiến sĩ rởm”, ông nói.
Theo ông Trung, Thông tư 08 đã giúp hạn chế tiêu cực bởi với tiêu chuẩn công bố quốc tế, nghiên cứu sinh khó lòng “chạy” được.
Tuy nhiên, Thông tư 08 cũng có những nhược điểm, như một số ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) khó đào tạo tiến sĩ vì khó có công bố quốc tế; không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng mà nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để mua bài.
Nhưng việc dùng những khiếm khuyết này nhằm loại bỏ tiêu chuẩn công bố quốc tế của quy chế cũ là không thuyết phục, không thể lý luận rằng KHXHNV ở Việt Nam khó có công bố quốc tế hoặc không cần công bố quốc tế vì những đặc thù văn hóa, xã hội, chính trị và hệ tư tưởng, ông Trung nhận định.
Ông cho rằng, có thể nhìn sang Trung Quốc để có những đối sánh vì đây là nước có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Trong bảng xếp hạng các ĐH thế giới năm 2021 của tổ chức Times Higher Education (chủ yếu dựa theo thành tích công bố quốc tế), ĐH Bắc Kinh đứng thứ 17 trong KHXH và thứ 28 trong KHNV.
Qua đây có thể thấy sức ỳ của KHXHNV ở Việt Nam, chậm hội nhập quốc tế. Vì vậy, ông đề xuất, Bộ GD&ĐT nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong KHXHNV, nhưng có thể ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành chưa thể có công bố quốc tế, Bộ GD&ĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế.
TS. Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlad Asia, cho rằng quy chế mới với quy định về bài báo khoa học là một bước thụt lùi so với quy chế cũ.
Ngăn đào tạo "tiến sĩ giấy"
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD&ĐT, cho hay quy chế mới quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí căn bản, tối thiểu, đã tính đến sự đa dạng của các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo để đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai, minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội, người học biết và giám sát, thực hiện.
TS. Phạm Hùng Hiệp nói rằng, quy định cộng điểm các tạp chí trong nước phụ thuộc vào từng hội đồng giáo sư ngành. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một chuẩn chung để quy định, kiểm soát chất lượng tạp chí trong nước. |
Thông tư 08 có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo.
Thông tư 18 quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá, và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus. Đồng thời, thông tư này tăng cường liêm chính học thuật và sự giám sát của các bên liên quan và giới khoa học.
Việc giám sát của giới khoa học và toàn xã hội là rất quan trọng trong quá trình đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ. Ví dụ, yêu cầu đăng tải công khai luận án tiến sĩ sau khi bảo vệ trên trang điện tử của cơ sở đào tạo trong 90 ngày là nhằm tạo ra kênh khuyến khích minh bạch hóa về chất lượng, đảm bảo liêm chính học thuật.
Tuy nhiên, GS. Trung không đồng tình với nhận định quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế hay bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí không đạt chuẩn ở nước ngoài. Để khắc phục tiêu cực, Bộ GD&ĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín không thể dùng tiền để được đăng.
“Tôi có cảm giác như thể các cơ sở đào tạo sẽ có quyền “tự chủ” làm sai mà không phải “chịu trách nhiệm”. Tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có tiến sĩ thật. Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật… cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các tiến sĩ rởm”, ông nói.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)