Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã bỏ việc cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975, song không vì thế mà các nghệ sĩ, nhà tổ chức/sản xuất lạc quan hay mạnh dạn “muốn hát gì cũng được”.
Vụ việc ca sĩ Khánh Ly hát ca khúc Gia tài của mẹ trong chương trình Dấu chân địa đàng tại Đà Lạt mới đây đã có kết luận từ Sở VH-TT-DL Lâm Đồng: xử lý cảnh cáo ban tổ chức, với lý do bài hát này không nằm trong danh mục đăng ký hôm 25.6 tại Đà Lạt. Cũng cần nói thêm, dù việc cấp phép phổ biến tác phẩm đã bỏ hoàn toàn theo Nghị định 144, nhưng với từng chương trình cụ thể, cá nhân/đơn vị tổ chức sẽ phải xin phép biểu diễn (kèm danh mục ca khúc) với cơ quan quản lý văn hóa địa phương nơi diễn ra.
Cũng theo kết luận liên quan bài Gia tài của mẹ, đại diện Sở VH-TT-DL Lâm Đồng cho biết thêm, một số trang mạng phản ứng về ca từ bài hát có ý chia rẽ đoàn kết, xuyên tạc sự thật lịch sử…, đó chỉ là ý kiến cá nhân, không liên quan đến nội dung làm việc của Sở với đơn vị biểu diễn. Do đó, quan điểm của Sở là nhắc nhở và hướng dẫn nhằm xây dựng hoạt động biểu diễn lành mạnh, tạo thêm sản phẩm du lịch cho Đà Lạt. Và điều này liệu có “mở” ra hướng lạc quan cho người biểu diễn, giới tổ chức show, sản xuất băng đĩa?
Trong phim Em và Trịnh, khán giả được thưởng thức 2 ca khúc lâu nay hiếm xuất hiện trong các chương trình biểu diễn hay album chính thức
Hát trong phim vẫn được
Theo bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Phim (một trong những đơn vị từng xin phép phổ biến ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An…): “Trước khi có Nghị định 144, việc cho phép lĩnh vực này sử dụng ca khúc mà không cho phép lĩnh vực khác là bình thường. Ví dụ xin phép bài hát cho phim chẳng hạn. Vì nhạc phim chỉ là yếu tố nhỏ trong toàn bộ phim, phục vụ cho câu chuyện mang tính thời điểm trong bối cảnh của phim, thì được cấp phép. Trong khi cũng ca khúc đó nếu phát hành băng đĩa lại thành vấn đề khác. Cho nên xin cấp phép, sử dụng bài hát cho mục đích phải nói rõ”.
Theo đó, trước Nghị định 144, từng có những bài hát trước năm 1975 được đơn vị sản xuất xin phép phổ biến hoặc sử dụng trong phim. Đó là Bài ca dành cho những xác người (Trịnh Công Sơn) được dàn hợp xướng thể hiện trong phim Áo lụa Hà Đông; Sống cho qua hôm nay (Nguyễn Trung Cang) do Elvis Phương hát trong phim Mắt biếc; Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy – Ngọc Chánh) do Phạm Anh Khoa hát trong phim Tháng năm rực rỡ… Tuy nhiên đến nay, trừ ca khúc Vết thù trên lưng ngựa hoang được một vài ca sĩ biểu diễn, còn lại hầu như các bài hát trước năm 1975 từng được vang lên trong phim cũng chỉ dừng lại trên màn ảnh.
Tuy không còn khái niệm "ca khúc trước 1975" nhưng giới biểu diễn, tổ chức sản xuất âm nhạc vẫn e dè. Ảnh: ĐPCC
Hiện, trong phim Em và Trịnh, khán giả cũng được thưởng thức 2 ca khúc (tuy không đầy đủ) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lâu nay hiếm khi được nghe trong các chương trình biểu diễn hay album chính thức nào, đó là Đại bác ru đêm và Người con gái Việt Nam da vàng. Một số nhà sản xuất, phát hành băng đĩa cũng cho biết đã phát hành nhiều chương trình với bài hát phong phú hơn.
Dù vậy, việc bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài, bên cạnh sự hoan nghênh về động thái tích cực của cơ quan quản lý văn hóa, còn đó những băn khoăn, hoang mang trước sự “vừa thông thoáng vừa ràng buộc” này, như một số nhà tổ chức âm nhạc bày tỏ.
Ở ngoài thì… tránh cho đỡ phiền ?
“Nghị định mang đến những thuận lợi như đối với các ca khúc sáng tác trước 1975 không phải xin phép từng bài, đối với các ca sĩ Việt kiều không còn phải mỗi lần biểu diễn mỗi xin phép… Tuy nhiên, cũng đặt ra những khó khăn, thử thách cho nhà sản xuất, người biên tập chương trình”, bà Phan Mộng Thúy nói. Bởi theo bà, “với Nghị định 144, việc sản xuất băng đĩa hay live show gần như chuyển thành hậu kiểm, điều này đòi hỏi bản lĩnh, quan điểm của người biên tập, sản xuất và đó cũng là áp lực lớn cho chính họ. Sẽ có địa phương cho biểu diễn bài này nhưng không cho bài khác, cho phép ca sĩ này hát mà không cho ca sĩ kia, vì mỗi địa phương có quan điểm giải quyết từng trường hợp khác nhau”.
Một số nhà sản xuất băng đĩa/chương trình cho biết trước khi có Nghị định 144, nếu xin phép được mới đầu tư thực hiện và phát hành/tổ chức; còn nay mọi thứ gần như phải làm trước hết, đầu tư thực hiện, hoàn thành rồi mới mang đi xin phép để phát hành. Do đó, theo bà Thúy, “người biên tập, sản xuất phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ phải chịu toàn bộ rủi ro”.
Xung quanh vấn đề này, nhà sản xuất âm nhạc – nhạc sĩ Đức Trí cho rằng: “Luật quy định là sẽ không cấm nếu bài hát không có các vấn đề như: chống Nhà nước XHCN Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo lực, trái với thuần phong mỹ tục… Song tôi nghĩ rằng vấn đề nằm ở chỗ: có cấm đi chăng nữa thì vẫn có nhiều cách để nghe ở thời buổi công nghệ và phương tiện phát triển như thế này, cấm chỉ là hình thức”. Tuy nhiên, anh hoàn toàn đồng ý việc “phải có luật, có quy định, để mỗi người có trách nhiệm với những gì mình hát”.
Nhạc sĩ Đức Trí cũng nói thêm: “Tôi chỉ có băn khoăn là mỗi khi làm chương trình, tuy không phải xin phép ca khúc trước 1975 nữa, nhưng khi gợi ý nên hát bài này, bài kia, người ta vẫn xin đổi cho lành, dù cá nhân tôi thấy bài hát đó không vi phạm các điều cấm. Tôi cũng hay hỏi vì sao, họ bảo vì ngại… Điều này cho thấy dù quy định đã bỏ cấp phép, nhưng người làm nghề vẫn chùn tay; và dù muốn hát, muốn phổ biến, muốn phục vụ khán giả cũng đành tránh cho đỡ phiền. Những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta phải hiểu biết luật pháp, kêu gọi ý thức hiểu biết về luật nhiều hơn chứ không phải là sợ cấm đoán”.
Theo Nguyên Vân/TNO
Bình luận (0)