Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cảm rồi sẽ hiểu!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân đọc bài viết Văn sáo rỗng (ngày 28-9), tôi xin có vài ý kiến về vấn đề này.

Tôi là giáo viên dạy văn có gần 40 năm trên bục giảng dẫn dắt học trò tiếp cận với các tác phẩm kinh điển ngày trước, giờ về hưu rồi vẫn cảm thấy băn khoăn. Theo tôi, dạy văn trước hết là dạy cho học trò cảm trước rồi hiểu sau. Chính vì lẽ đó những nhà nghiên cứu giáo dục đã đưa những tác phẩm kinh điển vào trong chương trình dạy học ngay ở bậc THCS. Bản thân tôi cũng đã từng được học những tác phẩm đó, ban đầu cảm thấy hay, thích thú nhờ thầy cô phân tích giúp tôi cảm, sau đó tôi lại tìm tòi thêm để hiểu. Cách đến với tác phẩm văn học ấy đâu có sai, mà theo tôi là con đường giúp ta tìm đến với cái hay, cái sâu sắc, cái thâm thúy của tác phẩm văn học và từng ngày theo thời gian hình thành tình yêu với cái đẹp, cái nhân hậu trong cuộc đời.

Nếu bảo đưa vào chương trình văn học những tác phẩm cách đây mấy trăm năm giảng dạy cho học trò là tạo cho các em trình bày lại những điều sáo rỗng của thầy thì những tác phẩm kinh điển ấy sẽ đi về đâu? Những Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tế Xương… và còn biết bao danh nhân văn học nước nhà sẽ không còn ai nhớ đến, kho tàng lịch sử văn học sẽ còn lại những gì? Tự bản thân câu hỏi đó cũng đã bao hàm câu trả lời rồi. Mặt khác, có ý kiến cho rằng sự sáo rỗng của văn học không phải do thầy cô, do học trò mà do sách giáo khoa. Nói như vậy là khiên cưỡng, sách giáo khoa chỉ định hướng, định lượng, định điểm cho thầy cô triển khai bài học. Còn dạy thế nào để văn thoát khỏi sáo rỗng là do người thầy. Vì thầy không cảm làm sao trò cảm, khi trò cảm rồi dần dần sẽ hiểu thôi. Cảm rồi sẽ hiểu giúp cho văn không còn sáo rỗng.

Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)

Bình luận (0)