Sau khi các cơ sở giáo dục từ mầm non đến ĐH trên cả nước được mở cửa hoàn toàn thì số trẻ nhiễm Covid-19 cũng tăng lên. Điều này không nằm ngoài dự báo của ngành y tế trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, khi trẻ nhiễm Covid-19 đa số là nhẹ nhưng không phải vì thế mà phụ huynh chủ quan…
Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP tích cực điều trị, sức khỏe của bệnh nhi N.V.S đã ổn định. Ảnh: BVNĐTP
95% F0 trẻ em là nhẹ và trung bình
Thống kế của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, tỷ lệ nhiễm của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi. Trẻ nhiễm Covid-19 không triệu chứng hoặc nhẹ, với biểu hiện viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa, chiếm tỷ lệ 55%; trung bình – 40%; nặng – 4%; nguy kịch – 0,5%…
Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ nhiễm Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung.
“Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng cấp tính của Covid-19. Thậm chí có những trường hợp viêm đa cơ quan, đây là biểu hiện nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Tại TP.HCM, thông tin từ Sở Y tế cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tại TP đang tăng. Riêng khu vực trường học, số ca nhiễm mới tuần sau luôn cao gấp nhiều lần so với tuần trước. Khoảng 90% trong số các ca nhiễm ở trường học là học sinh.
Phân tích trẻ em nhiễm Covid-19 đang điều trị nội trú tại 3 bệnh viện nhi đồng 1, 2 và TP, PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP – cho biết, 89% trẻ có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ; 93% ca bệnh là trẻ em dưới 12 tuổi.
Trong bối cảnh đang có xu hướng gia tăng ca nhiễm mới ở trẻ em, Bộ Y tế vừa cập nhật ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em”. Theo đó, Bộ Y tế chia ra 5 mức độ diễn tiến bệnh: không triệu chứng; nhẹ; trung bình; nặng; nguy kịch. Với mỗi mức độ, Bộ Y tế có hướng dẫn chăm sóc và điều trị phù hợp theo diễn tiến của bệnh. Đồng thời, lần đầu tiên, bộ đưa thuốc kháng virus Remdesivir vào phác đồ điều trị Covid-19 ở trẻ em, với sự chỉ định của bác sĩ.
Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế cũng chỉ ra 14 yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn biến nặng nếu trẻ nhiễm Covid-19. Đó là: trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi…); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần); bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải; bệnh gan; đang điều trị bằng thuốc corticoid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các bệnh hệ thống.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, với trẻ đã từng nhiễm Covid-19, phụ huynh không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2-6 tuần nếu có biểu hiện như sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hóa, da tái, nhịp tim nhanh… cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
Hậu Covid-19 không có hậu
Tháng 1 vừa qua, BV Nhi đồng TP (TP.HCM) đã tiếp nhận trẻ N.V.S (nam, 8 tuổi cân nặng 26kg, Bình Chánh, TP.HCM) trong tình trạng sốt cao, đau bụng. Hai ngày trước đó, S. sốt cao 39-40 độ C liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, đau bụng quanh rốn lan xuống hố chậu phải, ói 4-5 lần, tiêu chảy 5-6 lần/ngày.
Tại đây, xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 và xét nghiệm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 300 BAU/ml – chứng tỏ trẻ đã nhiễm SARS-CoV-2 trước đó; kết quả siêu âm bụng ghi nhận ruột thừa viêm sung huyết; xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh. Sau hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan Covid-19 thể có sốc… Sau hơn 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, hết đau bụng, mạch huyết áp ổn định, không cần thở oxy.
BS CKII Nguyễn Minh Tiến – BV Nhi đồng TP – cho biết: Đây là trường hợp hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em biểu hiện giống tình trạng viêm ruột thừa cấp, nếu không được chẩn đoán chính xác dễ đưa đến xử trí mổ “trắng”.
Mới đây, BV Nhi đồng TP cũng tiếp nhận một bệnh nhi có triệu chứng hậu Covid-19 như bệnh nhi S. Đó là P.T.Ph (nam, 11 tuổi, cân nặng 52 kg, Q.Bình Tân, TP.HCM). Trước khi nhập viện, Ph. bệnh 7 ngày. 5 ngày đầu, trẻ sốt cao 39-40 độ C, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt. Từ ngày thứ 6 và 7, ngoài sốt cao, còn đau bụng quanh rốn, ói 4-5 lần, tiêu chảy 3-4 lần/ngày, nổi hồng ban ở tay, chân bụng, đỏ mắt, tay chân lạnh.
Tại BV Nhi đồng TP, xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 và xét nghiệm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 681 BAU/ml. Các bác sĩ chẩn đoán, trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan Covid-19 thể có sốc. Gần 1 tuần điều trị tích cực, Ph. đã hết sốt, hết đau bụng, mạch huyết áp ổn định, không cần thở oxy.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM với các quận, huyện và TP.Thủ Đức mới đây; Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc Covid-19 để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo; tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ từ cơ sở, từ pháo đài, từ bác sĩ; tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 cộng đồng theo hướng mới nhất của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT. Trên từng địa bàn, từng chung cư, từng trường học phải chuẩn bị kịch bản xử lý các tình huống chứ không đợi xuất hiện tình huống rồi mới đi bàn kế hoạch ứng phó, không để lúng túng mất thời gian. Đồng thời, phải chú trọng mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh và nhà trường với y tế, đề ra tình huống cụ thể để chăm sóc chu đáo cho trẻ em là F0. |
BS Tiến thông tin, từ 1-10-2021 đến 22-2-2022, BV Nhi đồng TP đã tiếp nhận 92 trường hợp hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, trong đó có 11,9% trẻ biểu hiện nặng với sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan..
“Phần lớn các trẻ (77,2%) trong nghiên cứu của chúng tôi khi khai thác tiền sử phụ huynh đều không biết trẻ nhiễm Covid-19 trước đó (do trẻ không có biểu hiện triệu chứng hoặc có triệu chứng sốt nhẹ, ho ít thoáng qua nên phụ huynh không để ý tới). Vì vậy, rất cần thiết, phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, BS Tiến nói.
Hòa Triều
Bình luận (0)