Liên tiếp trong hai năm 2012 và 2013, Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành 2 thông tư liên tịch quy định một số chính sách phát triển và hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai, việc thực hiện các quy định trên vẫn gặp nhiều khó khăn, công tác hỗ trợ chưa rộng khắp.
Giáo viên đang hướng dẫn trẻ khuyết tật học hòa nhập tại Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)
Càng lên cao, càng rơi rụng
Mới đây, tại hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017 về công tác giáo dục đặc biệt do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, bày tỏ lo lắng: “Vì sao trong tổng số 101 học sinh khuyết tật học hòa nhập tốt nghiệp THCS năm học 2015-2016 chỉ có 54 em trúng tuyển lớp 10 năm học 2016-2017? Đây là tỷ lệ còn quá ít, đặt ra nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục phải liên hệ, động viên phụ huynh những em không học tiếp lên lớp 10 cho các em chuyển hướng sang học nghề để có điều kiện tự phục vụ bản thân”. Thêm vào đó, căn cứ số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, giáo dục khuyết tật hiện nay của TPHCM đang có hình kim tự tháp, tức càng lên cao càng ít về số lượng và thu nhỏ phạm vi áp dụng. Cụ thể, trong năm học 2015-2016, bậc tiểu học có 391 trường học có học sinh khuyết tật học hòa nhập thì lên THCS chỉ còn 172 trường, THPT chưa đến 20 trường. Cũng trong năm qua, nếu ở tiểu học có 361 em được xét tốt nghiệp thì bậc THCS chỉ có 101 em, THPT vỏn vẹn 22 em (kể cả hệ giáo dục thường xuyên). Mặc dù so với năm học 2012-2013, năm đầu tiên áp dụng chính sách hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, tổng số học sinh khuyết tật học hòa nhập ở các trường tiểu học đã tăng hơn 500 em, nhưng không phải trường hợp nào cũng được lên lớp, chưa kể một số trường hợp các em bỏ học giữa chừng hoặc chuyển qua học nội trú tại các cơ sở ngoài công lập.
Về giáo viên, trong tổng số 3.495 giáo viên đang dạy hòa nhập ở bậc tiểu học, chỉ có 4 người có bằng tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt (chiếm tỷ lệ 0,11%). Đối với THCS, trong hơn 3.000 giáo viên dạy hòa nhập, không có giáo viên nào có chuyên môn giáo dục đặc biệt. Đây cũng là tình trạng chung của đội ngũ cán bộ quản lý, ở cả tiểu học và THCS không có người nào tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Hầu hết các trường chỉ dạy đối tượng học sinh này dựa trên kinh nghiệm, kiến thức thu nhận được qua các buổi tập huấn và quá trình tự học, nâng cao kiến thức của giáo viên. Giáo viên một trường tiểu học tiếp nhận học sinh khuyết tật trên địa bàn quận 5 cho biết, trường cô thường phân công giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm, từng lập gia đình và có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ tiếp nhận lớp có học sinh khuyết tật để thuận tiện nắm bắt tâm lý và uốn nắn hành vi của các em. Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận, giáo dục những em này chỉ đạt kết quả rõ rệt trong những năm đầu, khi khối lượng kiến thức cần truyền tải chưa nhiều. Lên các bậc học cao hơn, học sinh thường “đuối”, không theo nổi chương trình do giới hạn về trí tuệ và sức khỏe, trong khi giáo viên không có nhiều thời gian theo sát như ở lớp dưới. Đó là lý do vì sao càng lên lớp cao, học sinh khuyết tật càng rơi rụng dần.
Quan tâm đời sống giáo viên
Theo bà Nguyễn Từ Dũ, Phó trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016-2107 đối với công tác giáo dục đặc biệt là Sở GD-ĐT sẽ xây dựng Đề án Hỗ trợ nhân viên khối gián tiếp trong trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (công lập) trên địa bàn TP, trình UBND TP phê duyệt. Thực tế hiện nay, các chức danh như cấp dưỡng, bảo vệ, phục vụ, văn thư, thủ quỹ và y tế ở các trường phần lớn là kiêm nhiệm. Áp lực và khối lượng công việc quá lớn trong khi đồng lương chưa tương xứng khiến người lao động thường xuyên bỏ việc, tuyển dụng mới cũng gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, dù TPHCM đã có quy định trợ cấp giảng dạy đối với giáo viên dạy học sinh khuyết tật, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp tiền hỗ trợ chưa đến tay giáo viên do phụ huynh chưa hỗ trợ trong việc lập hồ sơ (giáo viên chỉ được nhận hỗ trợ khi có giấy chứng nhận khuyết tật của học sinh – PV), một số học sinh thuộc diện tạm trú nên không được UBND phường, xã nơi cư trú tổ chức giám định mức độ khuyết tật, có nơi UBND quận chưa chỉ đạo các phường thành lập Hội đồng Xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận cho học sinh nên không được Sở Tài chính duyệt kinh phí hỗ trợ. Như vậy, dù cơ sở pháp lý đã có nhưng thực tế áp dụng vẫn mỗi nơi một kiểu, kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập theo Quyết định 05/2016/QĐ-UBND của UBND TPHCM tồn đọng nhiều năm qua chưa được các địa phương quan tâm thực hiện.
Mặt khác, cũng theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục công lập hiện nay đang gặp khó trong việc quyết định cho học sinh khuyết tật lên lớp. “Từng xảy ra trường hợp phụ huynh kiện cáo nhà trường cho học sinh khuyết tật lên lớp khi trình độ em này thua kém hẳn những học sinh bình thường khác. Họ đâu hiểu một đứa trẻ khuyết tật chỉ cần viết được chữ, làm được vài phép tính cơ bản đã là thành công lớn. Hơn nữa, nhà trường cũng không thể giữ một đứa trẻ 14, 15 tuổi học hoài tiểu học”, vị này bày tỏ. Đây cũng là lý do nhiều năm qua, TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT ban hành chương trình khung và sách giáo khoa giáo dục đặc biệt, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền để xã hội có sự cảm thông và ủng hộ hơn công tác giáo dục đặc biệt.
MINH QUÂN/ SGGP
Bình luận (0)