Ước mơ chinh phục sao Hỏa luôn đeo đuổi những nhà khoa học vũ trụ từ nhiều năm qua. Công bố một kế hoạch đầy tham vọng, Space X trở thành công ty mới nhất tham gia cuộc đua đưa người lên sao Hỏa trên những con tàu vũ trụ khổng lồ.
Xe tự hành Curiousity của NASA hoạt động tại sao Hỏa
Phi thực tế, khó thực hiện?
Kế hoạch của tập đoàn thám hiểm công nghệ không gian Space X là thiết lập một thành phố trên sao Hỏa và thực hiện các chuyến bay đưa người lên hành tinh Đỏ. Phát biểu tại đại hội Vũ trụ quốc tế lần thứ 67 ở thành phố Guadalajara của Mexico, nhà sáng lập Space X, Elon Musk, khẳng định đã đến lúc nâng tầm nhiệm vụ khám phá vũ trụ thành kế hoạch xây dựng một thành phố trên sao Hỏa. Ông Elon Musk đã trình chiếu một video mô tả ý tưởng về một hệ thống vận chuyển liên hành tinh với cơ chế vận hành gồm các tên lửa tái sử dụng, một bãi phóng tên lửa trên sao Hỏa và 1.000 tàu vũ trụ được đưa lên quỹ đạo với sức chứa lên tới 100 người/tàu. Mỗi chuyến đi sẽ đem đến những trải nghiệm tích cực khi tàu vũ trụ được trang bị đầy đủ nhà hàng, phòng ngủ, các trò chơi thiết kế riêng cho môi trường không trọng lượng. Tuy nhiên, ông Musk cũng thừa nhận những chuyến bay đầu tiên sẽ vô cùng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong rất cao. Tham vọng của ông Musk là đưa khoảng 1 triệu người lên sao Hỏa trong vòng 40 đến 100 năm, nhưng cũng nhấn mạnh giá vé lên sao Hỏa chỉ là 1 chiều, tùy vào mức độ thích ứng và những người tham gia phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với cái chết.
Với mức giá 100.000 USD/người và kế hoạch đưa nhân loại đặt những bước chân đầu tiên lên sao Hỏa, cũng như xây dựng một thành phố tương lai trên sao Hỏa, ý tưởng của ông chủ của Space X đang khiến nhiều chuyên gia hoài nghi. Theo giới chuyên gia hàng không vũ trụ, để thực hiện kế hoạch đưa người lên sinh sống tại hành tinh cách Trái đất 225 triệu km này cần rất nhiều thời gian, kỹ thuật phức tạp, với rất nhiều kinh phí. Giáo sư danh dự tại Viện Chính sách Không gian thuộc Đại học George Washington, ông John Logsdon, nhận định bài phát biểu của ông Musk không thực tế bởi không đưa ra được kế hoạch chi tiết về ngân sách thực hiện lên đến hàng tỷ USD. Để có thể giảm giá vé 1 chiều cho chuyến đi lên sao Hỏa nằm trong tầm trả tiền số đông, ông chủ của Space X cũng thừa nhận phải chế tạo được các thiết bị có thể tái sử dụng nhiều lần, như tên lửa đẩy phải dùng được 1.000 lần, tàu con thoi đi về nhiều tháng trong chặng đường chinh phục sao Hỏa phải sử dụng lại được 12 lần và tàu con thoi tiếp nhiên liệu phải xài lại được 100 lần.
SpaceX cũng đối mặt với nhiều đối thủ đáng gờm trong cuộc đua tới hành tinh Đỏ. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã thông báo kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030. Ngoài ra, Blue Origin, công ty do ông chủ Amazon Jeff Bezos sáng lập cũng bày tỏ tham vọng đưa hàng triệu người lên sống và làm việc trong không gian và có thể là sao Hỏa, trong một vài thập niên tới. Tham gia cuộc đua này còn có quỹ tư nhân Hà Lan Mars One. Mục đích của quỹ này là đưa con người đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2027. Một nhóm 4 người sẽ khởi hành 4 năm một lần. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch này được công bố, giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là kế hoạch lừa đảo. Ngoài việc mập mờ trong hoạt động huấn luyện, xây dựng trang thiết bị hay tàu vũ trụ đưa người lên sao Hỏa, Mars One cũng không đạt được mục tiêu gom quỹ, dù ngân sách dự kiến phục vụ việc lên sao Hỏa của công ty là khoảng 6 tỷ USD.
Hình ảnh mô phỏng dự án xây dựng nơi ở trên sao Hỏa của Mars One
Nhiều thách thức
Theo nhận định của trang tin khoa học The Verge, chỉ có NASA là đơn vị có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa khả thi nhất hiện nay. Cuối năm ngoái, NASA công bố bản kế hoạch mang tên Chuyến du hành lên sao Hỏa và nêu mục tiêu đưa con người lên thám hiểm sao Hỏa trong vòng nhiều nhất là 20 năm nữa nếu chương trình này của họ có ngân sách hoạt động khoảng 80 đến 100 tỷ USD. Bản kế hoạch còn bao gồm những mô tả về công nghệ và cơ sở hạ tầng cần thiết để biến hành trình đến sao Hỏa thành hiện thực. NASA hiện có 2 xe tự hành hoạt động trên sao Hỏa là Opportunity và Curiosity cùng 3 tàu vũ trụ hoạt động quanh hành tinh Đỏ là Mars Odyssey, Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) và MAVE. Tuy nhiên, kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của NASA đang gặp trở ngại về vấn đề ngân sách.
Môi trường trên sao Hỏa rất khắc nghiệt. Nếu các nhà thám hiểm quyết định đi lên đó, đồng nghĩa với việc họ phải chuẩn bị mọi thứ để sinh hoạt trên đó. Công việc đầu tiên là chuẩn bị các phòng, cabin cho con người “trú ẩn”, nó giống như việc xây dựng một căn nhà trên Trái đất. Sao Hỏa gần như không có bầu khí quyển, do đã bị các cơn gió Mặt trời hoạt động trong hàng tỷ năm qua tước mất. Việc này khiến bề mặt hành tinh Đỏ có lượng phóng xạ đủ lớn để giết chết các sinh vật sống. Cứ sau mỗi 5 năm, hành tinh này lại bao trùm trong một cơn bão bụi, có thể chặn ánh sáng Mặt trời trong nhiều tháng liền.
Theo ước tính của NASA, sẽ phải mất từ 6 đến 8 tháng cho một chuyến du hành tới sao Hỏa dựa trên các công nghệ hiện có. Thời gian của chuyến đi dài nên việc phải có những phương án để xử lý cho bất kỳ tình huống nào luôn phải được đặt lên hàng đầu vì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng của cả phi hành đoàn. Các nhà thám hiểm cũng phải đối mặt với vấn đề rất lớn là khối lượng cơ bắp và mật độ xương bị giảm khi trải qua khoảng thời gian dài trong môi trường không trọng lượng. Môi trường bên ngoài vũ trụ vốn cực kỳ khắc nghiệt với hàng tá các loại bức xạ có thể phá hỏng ADN, gây ung thư đục thủy tinh thể và một số bệnh khác. Nguy cơ do bức xạ tăng khoảng 30 lần, nếu phi hành đoàn phải chịu đựng chúng trong suốt nhiều tháng thì chưa biết họ sẽ có những thay đổi như thế nào về cả tình trạng thể chất cũng như tinh thần. điều này có thể gây nguy hiểm đến mục tiêu của chuyến thám hiểm.
Theo nhà khoa học Jeffrey Marlow, đang làm việc tại Chương trình thám hiểm sao Hỏa của NASA, nhiệt độ không khí trên sao Hỏa dao động từ -750C vào ban đêm và khoảng 00C vào ban trưa. Khí quyển của sao Hỏa chỉ chứa 0,15% ôxy (so với 21% trên Trái đất) và 96% không khí là carbon dioxide. Sao Hỏa thường xuyên có những cơn bão khổng lồ với sức gió có thể lên tới 105km/giờ, một số cơn bão có khả năng che phủ toàn bộ hành tinh trong nhiều tuần liên tiếp. |
THANH HẰNG (tổng hợp)/ SGGP
Bình luận (0)