Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Hệ lụy từ việc lười đọc tác phẩm văn học

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua, chất lượng dạy học văn trong trường phổ thông còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Điều này được thể hiện thực tế từ những bài làm kiểm tra trên lớp của học sinh cũng như trong các kỳ thi quan trọng.

Theo đánh giá, chất lượng giảng dạy môn ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay còn nhiều hạn chế, mà một trong các nguyên nhân là do học sinh lười đọc tác phẩm văn học. Ảnh: Anh Khôi

Thực trạng đáng buồn trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, như: việc lựa chọn khối thi, ngành thi; công tác cải tiến, đổi mới phương pháp dạy học văn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân quan trọng khác cần được tính đến là sự thờ ơ của học sinh đối với sách, báo, tạp chí văn học nói chung, các tác phẩm văn học trong nhà trường nói riêng.

1. Nhiều giáo viên giảng dạy môn ngữ văn làm công tác chấm thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã phải “giật mình” trước những bài viết vô hồn, trống rỗng về kiến thức nhưng lại thấy…”quen quen” bởi dường như không năm nào khi chấm thi là không gặp phải. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, có câu hỏi trong đề thi yêu cầu phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. Một học sinh đã rất “hồn nhiên” khi viết rằng: “Tràng là nhân vật chính trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Tô Hoài, chỉ sau mấy bát bánh đúc tự nhiên có người đàn bà đói khát theo Tràng về làm vợ”. Hiện tượng nhầm lẫn về nhân vật, tác phẩm “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” không phải là hi hữu. Cũng với câu hỏi nêu trên, có thí sinh đã “quả quyết” trong bài làm của mình rằng: “Nguyễn Trung Thành là tác giả của truyện Vợ nhặt, ngoài tác phẩm này, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm hay khác như: Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ chồng A Phủ”. Bên cạnh đó, có không ít bài viết mắc các lỗi sơ đẳng về cách dùng từ, đặt câu; lỗi chính tả, ngữ pháp. Trầm trọng hơn cả là sự lủng củng, rời rạc, sáo rỗng trong cách hành văn, diễn đạt. Chẳng hạn trong câu nghị luận xã hội, khi đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về “sự hèn nhát” và “dũng khí”, có thí sinh đã “múa bút” như sau: “Mỗi người trong chúng ta cần có dũng khí, vì đó là niềm hạnh phúc vô biên của quảng đại loài người chúng ta, như bóng cây kơ nia ở trên sa mạc, như ánh mặt trời bùng sáng giữa đêm thâu, như con ong hằng ngày hút mật ngọt dâng tặng cho cuộc đời”. Những bài viết vô hồn, những câu văn tối nghĩa nêu trên thể hiện sự trống rỗng, hời hợt về kiến thức văn học trong một bộ phận học sinh hiện nay. Một trong số các lý do là nhiều học sinh hờ hững, vô cảm trước các tác phẩm văn học.

Khơi gợi, kích thích trong học sinh niềm say mê, hứng thú đối với sách văn học nói chung, các tác phẩm văn học nói riêng không chỉ giúp cải thiện chất lượng dạy học văn trong nhà trường mà còn góp phần bồi đắp, làm phong phú đời sống tâm hồn tình cảm, hoàn thiện nhân cách của mỗi học sinh.

2. Với tâm lý xem nhẹ tầm quan trọng của môn ngữ văn, nhiều học sinh rất lười đọc tác phẩm văn học. Điều đáng nói là, dù không đọc tác phẩm nhưng các em vẫn có thể soạn bài, làm bài tập bình thường bởi đã có sẵn các chủng loại sách tham khảo, chỉ việc… chép theo. Việc phụ thuộc nhiều vào sách tham khảo đã tạo ra sức ỳ về mặt tư duy và tâm lý tiếp nhận tác phẩm. Quan niệm “thi gì học nấy” khiến cho nhiều học sinh có thiên hướng học các môn tự nhiên, tiếp xúc với tác phẩm văn học trong một tâm thế thụ động, miễn cưỡng. Do đó, việc đọc các tác phẩm không bắt nguồn từ sự đam mê mà chủ yếu là học vẹt, học thuộc lòng theo kiểu “tầm chương trích cú” nhằm phục vụ cho các kỳ thi. Bên cạnh đó, sự “bành trướng” của nhiều loại hình giải trí, kênh thông tin như: truyền hình, mạng internet đã “ngốn” một khoảng thời gian không nhỏ khiến cho học sinh không có điều kiện tiếp cận, lĩnh hội đầy đủ cái hay, cái đẹp trong các tác phẩm văn học. Mặt khác, phương pháp giảng văn theo lối thuyết giảng một chiều, áp đặt kiến thức của một bộ phận giáo viên hiện nay cũng đang góp phần làm triệt tiêu tính sáng tạo, tích cực, chủ động của học sinh trong việc tiếp nhận các giá trị của tác phẩm văn học.

3. Từ việc xác định căn nguyên của “bệnh” lười đọc trong một bộ phận học sinh hiện nay, cần có những giải pháp hữu hiệu, đồng bộ nhằm khơi gợi niềm say mê, hứng thú trong việc đọc các tác phẩm văn học của các em.

Thứ nhất, trong nhà trường, mỗi giáo viên cần thay đổi cách thức truyền thụ kiến thức tác phẩm văn học theo hướng dẫn dắt, gợi mở để học sinh tự khám phá, chiếm lĩnh các giá trị trong tác phẩm. Cần khuyến khích những cách cảm nhận sáng tạo, tránh áp đặt một chiều. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng cần được cải tiến, chống lối học “tủ”, học thuộc lòng. Nên có nhiều hơn những dạng đề “mở”, tạo điều kiện cho học sinh phát huy khả năng tư duy, tính linh hoạt, tích cực, chủ động trong việc vận dụng những kiến thức tích lũy từ việc đọc các tác phẩm văn học vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể theo yêu cầu của đề bài. Hệ thống thư viện trường học cần được phát triển, mở rộng thu hút học sinh tìm đọc các tác phẩm văn học phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Việc tạo lập các câu lạc bộ văn học, các sân chơi văn học và giúp học sinh tiếp cận thường xuyên hơn với những tờ báo, tạp chí về văn học có nội dung gần gũi với lứa tuổi cũng là biện pháp thiết thực kích thích ở các em sự hứng thú với môn văn.

Thứ hai, về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần có sự định hướng để con em tìm đọc những tác phẩm văn học vừa có tính giải trí vừa có tính giáo dục. Việc xây dựng các tủ sách gia đình cũng sẽ góp phần khôi phục, nâng cao văn hóa đọc của giới trẻ.

Bùi Minh Tuấn 
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)

Bình luận (0)