Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khi nào Việt Nam có người bay vào vũ trụ?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi thầy T. dạy môn vật lý ở trường tôi giới thiệu cho học sinh về vũ trụ và không gian trong tiết học ngoài giờ lên lớp. Một học sinh đã hỏi: “Thưa thầy, bao giờ Việt Nam mình có người lên mặt trăng, bay vào vũ trụ để nghiên cứu khám phá?”. Rất nhanh, thầy T. đã nhắc đến Anh hùng Phạm Tuân khi cùng các chuyên gia Liên Xô mấy mươi năm trước trên con tàu vũ trụ đã bay vào không gian. Tuy nhiên, nếu ai quan tâm về khoa học vũ trụ có lẽ sẽ thấy cách giải thích với vẻ tự hào của thầy T. chỉ muốn nói để học sinh tiếp tục hứng khởi với đề tài vũ trụ và không quá thất vọng với nền khoa học nước nhà.

Những năm gần đây, nền giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhiều phong trào diễn ra trong trường học theo hướng tiếp cận xu thế của thế giới. Những phương pháp như Bàn tay nặn bột đầy tâm huyết của GS. Hà Thanh Vân khi trở về Việt Nam, mong muốn nhà trường phổ thông áp dụng nhằm gợi mở sự sáng tạo và đam mê khoa học nơi học sinh. Tạo ra các câu lạc bộ khoa học trong trường học nhưng hiện nay nó mang nhiều hình thức và chỉ thể hiện rõ phương pháp trên các văn bản chứ thực tiễn không như mong muốn của GS. Vân. Nói vậy, bởi nếu tìm hiểu kỹ phương pháp này đòi hỏi sự dấn thân rất lớn của giáo viên, đòi hỏi giáo viên phải có “tâm thế” nghiên cứu khoa học (chỉ xin nhấn mạnh chỉ là tâm thế chứ không phải tâm huyết), tư duy và cách làm việc nhóm, giáo viên phải hy sinh nhiều thời gian… Kế đến, phải có sự kết hợp liên môn. Tỷ như, môn hóa – sinh cho nghiên cứu về môi trường, cây xanh, rau quả; môn lý – hóa cho phân tích thí nghiệm và môn toán cho những thống kê của các liên môn kia… Chưa hết, trần ai có lẽ là xin cấp kinh phí. Để thoát khỏi việc hình thức hóa nghiên cứu khoa học và cơ chế xin – cho thì các giáo viên cùng học sinh của mình sẽ bỏ tiền túi ra thực hiện đề tài trước và có thể tạm ứng từ lãnh đạo. Song, giáo viên thì lấy đâu ra tiền mà dám tạm ứng trước cho công trình của học sinh thực hiện, và câu hỏi “ai lo cho sự thất bại của dự án?” là lực cản của giáo viên. Chưa kể đến tâm lý sợ sệt bị gọi là kẻ-chơi-trội. Vậy đâu là lối thoát cho những đề tài nghiên cứu nhỏ mang tính thực tiễn ở trường trung học? Với câu hỏi này có lẽ sẽ không ai dám trả lời ngay, nhưng với những người có trách nhiệm khi nhận diện hạn chế nêu trên thì dựa theo đó để có những giải pháp tức thì lẫn lâu dài.

Việc có thể làm trước là phân định rạch ròi giữa việc dạy học và hướng dẫn nghiên cứu đề tài cho học sinh của giáo viên; việc đánh giá hướng dẫn nghiên cứu chỉ có giá trị tăng thêm chứ không là quyết định cho nhiệm vụ của giáo viên; giáo viên lựa chọn chủ đề mà học sinh có thể tham gia dễ dàng và không quá khó… Tuyên dương những sản phẩm nghiên cứu có giá trị và chuyển giao cho các cơ sở xác định nhằm kích thích khơi gợi sự dấn thân và đam mê nơi học sinh và giáo viên.

Y.Hân

Bình luận (0)