Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Bắt rừng hoang sinh quả ngọt

Tạp Chí Giáo Dục

“Người nông dân không có cách nào khác hơn là yêu lấy thửa ruộng, mảnh vườn của quê xứ mình. Cứ cần mẫn chăm bẵm cây trái rồi sẽ thu về được những mùa quả ngọt. Lối đi ở ngay dưới chân mình, chỉ cần sự kiên trì chịu khó”, bà Nguyễn Thị Thương, ở xã Thuận (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bộc bạch.

Bà Thương phấn khởi với mùa quả ngọt ở vùng Lìa

1.Xã Thuận nằm cách thị trấn Khe Sanh hơn 20 cây số, chạy dài dọc con sông Sê Pôn giáp nước bạn Lào. Những ngày cuối thu, xã Thuận trở nên nhộn nhịp bởi xe cộ, nông dân phấn khởi đón sản vật từ núi rừng. Cạnh những vườn thanh long, cà phê, sắn, chuối mướt xanh, vườn nhãn của gia đình bà Thương mọng vàng trĩu trái. Câu chuyện làm vườn của bà Thương không chỉ là câu chuyện về người dân kinh tế mới đến vùng Lìa hay các kỹ thuật chăm bón, tưới tiêu, mà đó còn là câu chuyện về tình yêu của người nông dân để đất cằn ra mùa quả ngọt.

Bà Thương hồi tưởng, nếu ai đã từng đến vùng Lìa tầm hơn 20 năm trước hẳn không khỏi ngạc nhiên bởi miệt rừng này hoang vu, những ngôi nhà sàn xập xệ, cuộc sống túng thiếu đủ bề. Xã Thuận nằm sát rìa sông Sê Pôn heo hút giữa rừng núi, tù mù những ngọn đèn dầu nhoi lên đủ dùng cho bữa cơm rồi tắt lịm. Đường chỉ là lối mòn lồi lõm bùn đất, trơn trượt mỗi mùa mưa rừng xối xả. Khi ấy, nhiều người dân từ đồng bằng di dân lên làm kinh tế mới không dám nghĩ tới ngày no đủ. Chỉ biết cặm cụi phát hoang cây bụi, cải tạo vườn đất, trồng xuống những cây trái, mong có cơm ăn ngày ba bữa… “Mang tiếng đi kinh tế mới, nhưng vẫn theo tục canh tác đa cây, đa con. Có giống gì cắm xuống đất giống ấy. Một mảnh vườn có tới chục loại cây. Vườn tạp ít hiệu quả. May lắm thì đủ sống, đủ cho con cái no cái bụng mà tới lớp”, bà Thương nói.

Bà Thương đang trao đổi việc mua bán với thương lái

2.Rời vùng đồng bằng Triệu Phong đến Lìa vì nghèo khó, không thể cam chịu khó nghèo trên vùng đất mới. Nhiều đêm thao thức, bà Thương nảy ra ý tưởng quy hoạch cây trồng. Bà bàn với chồng rồi bắt tay ngay vào việc trồng thử nghiệm nhiều cây từ xoài, mít tố nữ, bơ, chôm chôm… Vài năm sau đó, bà lại chọn nhãn làm cây chủ lực bên cạnh một số cây đã trồng trước để duy trì thu nhập. Cây nhãn vốn không phải là loại cây đặc sản của vùng đất nắng gió Quảng Trị nhưng qua vài bận mưa rừng, chúng bén rễ rất nhanh. “Mấy năm đầu nhãn cho quả nhỏ, dù rất ngọt nhưng bà con vẫn mua dè chừng. Thế là cứ đến mùa nhãn, hai vợ chồng lại thay phiên nhau chở trái ra đến chợ Tân Long, cách nhà gần 20 cây số để bán. Vất vả vậy, vợ chồng vẫn động viên nhau làm sao cho có thương hiệu trước thì người ta tự tìm mua”, bà Thương bảo.

Chúng tôi tin chắc rằng, những vựa nhãn, chôm chôm, xoài, bơ như của gia đình bà Thương rồi sẽ theo chân các thương lái về đến Đông Hà,  ra Quảng Bình hay vào đến Huế, Đà Nẵng… du khách gần xa dần biết đến một miền quả ngọt vùng Lìa. Đó đã đủ để làm động lực cho bà con miền biên viễn này tiếp tục gầy dựng mảnh vườn của mình theo mô hình kinh tế xanh, thu nhập cao lại vừa bảo vệ môi trường.

Nhiều người dân vùng Lìa ngày càng canh tác theo phương thức mới, hiệu quả kinh tế cao như: sắn, chuối… vợ chồng bà Thương vẫn một mực gắn bó với từng gốc nhãn. “Trồng ra cây, phải trân quý tinh hoa quả ngọt nó mang đến cho mình trước đã”. Triết lí đơn giản vậy nhưng thành công. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường luôn hướng đến nông sản sạch. Vườn nhãn không thuốc trừ sâu, không thuốc kích thích tăng trưởng của gia đình bà cho nhiều quả ngọt, mọng nước. Du khách đi ngang về tắt trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, hay ngược xuôi đường xuyên Á đều ghé chân lại tìm mua. Vườn nhãn của bà nhờ đó trở nên tấp nập, nhộn nhịp mỗi độ vào mùa. “Bây giờ không phải chở nhãn ra tận Khe Sanh. Thương lái và cả du khách đều đến mua tận vườn”, bà Thương phấn khởi.

3.Với giá khoảng tầm 20 ngàn đồng cho một cân nhãn, chôm chôm, trung bình mỗi năm, vườn cây ăn quả mang lại cho gia đình bà Thương khoảng 100-150 triệu đồng. Bà nói: “Đất vùng Lìa hoang hóa nhưng đãi người nông dân. Chỉ cần chăm chỉ thì cuộc sống sẽ trở nên khấm khá hơn. Tui thường hay khuyên các cháu trong thôn, học hành đến nơi đến chốn để am hiểu kiến thức, nếu không thể xin được việc làm thì khởi nghiệp bằng kiến thức đó trên chính mảnh đất quê mình. Lối đi không ở đâu xa, cũng không phải từ người khác tạo ra mà ở ngay dưới chân mình, con đường đó thành đường rộng hay lối mòn cỏ mọc đều do mình quyết định, phần lớn”.

Về với Lìa, câu chuyện cải tạo vườn tạp thành những vườn cây giá trị kinh tế cao bây giờ không còn chuyện mới. Anh Nguyễn Dương Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận nói, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Thương đã mang lại hiệu quả lớn, ít nhất là với người dân vùng Lìa – nơi có rất nhiều bà con đồng bào thiểu số sinh sống. Xã cũng khuyến khích bà con phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đất đai. Mô hình hoa trái của gia đình bà Thương chính là hướng làm giàu đầy hứa hẹn.

Giữa chiều, tiếng máy nổ xe giòn giã kèm theo những nụ cười, cái vẫy tay của người mua trước khi từ giã mảnh vườn của bà Thương mang thông điệp ấm áp và đủ đầy. Đất đai và lòng say mê làm vườn chính là vốn liếng của người nông dân đem đến nụ cười ấy. Ngẫm về sự trù phú và hoang vu nơi những miền đất mình đi qua, chợt nghĩ, không biết vì người yêu đất mà dày công vun xới để vùng đồi núi hoang vu trở thành những vườn cây trĩu quả, hay vì đất yêu người mà trao cho chủ nhân những vụ mùa thơm ngọt…

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)