Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Can thiệp sớm khi trẻ chậm nói

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đến tuổi tập nói nhưng có một số trẻ lại không chịu thể hiện ngôn ngữ qua việc giao tiếp với cha mẹ và mọi người xung quanh. Đây có thể là dấu hiệu của trẻ chậm nói. Theo cảnh báo của các chuyên gia ngôn ngữ trị liệu nếu không được can thiệp sớm, về sau tình trạng rối loạn ngôn ngữ của trẻ khó đi theo chiều hướng tốt.

KTV Đỗ Thị Bích Thuận đang điều trị cho trẻ chậm nói tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM 

Kỹ thuật viên (KTV) vật lý trị liệu Đỗ Thị Bích Thuận – Khoa Vật lý trị liệu (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Theo thuật ngữ chuyên môn, trẻ chậm nói là trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Đó là từ chung để chỉ các trường hợp trẻ bị khiếm khuyết ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết và hình thức bằng các ký hiệu khác nhau”.

Chậm nói và chậm hiểu lời

Cách đây 1 tuần, Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi đồng 1 TP.HCM đã điều trị thành công trường hợp bé trai chậm nói tên H. – SN 2012 quê ở Kiên Giang. Mặc dù 4 tuổi nhưng H. không thể giao tiếp với mọi người như các trẻ cùng trang lứa. Tuy nhiên qua lần khắc phục đầu tiên bằng vật lý trị liệu âm ngữ, bé đã nói được 1, 2 từ. Số lượng từ phát âm chưa nhiều nhưng đó lại là tín hiệu khả quan việc khắc phục rối loạn ngôn ngữ ở trẻ chậm nói đã thành công. Sau lần 3 khắc phục bé H. đã nói được 5 từ. Do bắt chước nói theo người khác nên bé chưa có khả năng hiểu nghĩa từ. Dù vậy, điều đó đã phần nào khẳng định việc can thiệp sớm bằng vật lý trị liệu thật sự có tác dụng tốt đối với trẻ chậm nói.

KTV Đỗ Thị Bích Thuận cho biết, khiếm khuyết về ngôn ngữ thuộc về lĩnh vực ngữ nghĩa, ngữ dụng, hình thức bao gồm âm vị, hình vị, cú pháp. Đó là khi trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi không phát ra được âm thanh như đứa trẻ khác. Đến tháng thứ 10 vẫn không có giao tiếp chủ ý, không có từ đơn trong vốn từ của bé. Đến 2 tuổi trẻ vẫn chưa phát âm được cụm từ và vốn từ chỉ dưới con số 25. Về nguyên nhân, không phải là yếu tố quyết định nhưng di truyền cũng là một phần nằm trong “khoảng xác định” gây ra tình trạng chậm nói. Sản phụ sinh non, sinh nghẹt hay bị ngộ độc rượu, rubella cũng là những yếu tố nguy cơ làm cho trẻ chậm nói.

Phải được can thiệp sớm

Đối với KTV phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ, ngoài trình độ chuyên môn cần phải xác định được công việc cần phải làm vì mỗi người có một vai trò khác nhau trong việc điều trị trẻ. Trong đội ngũ đa chuyên ngành, người giáo dục đặc biệt phải hoàn thành tốt phần việc của mình để góp phần hoàn thiện quá trình phục hồi chức năng ngôn ngữ cho trẻ chậm nói.

Thường cha mẹ hay đặt câu hỏi để mong muốn con trả lời nhưng đây là điều không nên nếu không nói là đã sai lầm trong việc khắc phục chậm nói. Những câu hỏi của người lớn do nóng vội đôi khi thật sự quá tải đối với khả năng tái hiện ngôn ngữ của trẻ. Do chậm hiểu lời nên hậu quả là trẻ bị ép vào con đường cùng. Nếu lỡ đặt câu hỏi thì cha mẹ thực hiện theo quy tắc bàn tay tức là chia ra mỗi ngón tay mỗi nguyên tắc cho dễ nhớ. Theo lời khuyên của KTV Bích Thuận, chúng ta không được nóng vội mà phải chờ đợi từ từ bằng sự kiên trì, nhẫn nại của mình. Không nên dạy con theo ý của mình mà dạy theo hướng của trẻ để dễ hòa nhập với đối tượng hơn. Không ít cha mẹ chỉ chăm chăm đưa con đi khám mà “quên” việc dạy và chơi với bé. Khi đồng hành với trẻ, chúng ta mới hiểu hết trẻ vì ngôn ngữ trẻ được hình thành qua giao tiếp, trò chơi, lao động. Vì thế người lớn nên tăng cường chơi với trẻ càng nhiều thời gian càng tốt. Phải luôn có sự tương tác với trẻ trong điều kiện có thể. Nếu có người nuôi trẻ thì phụ huynh nên quan tâm và theo dõi sát sao hơn. Không nên phó mặc cho người giúp việc hoặc người giữ cháu. Hiện nay một số phụ huynh sớm cho bé tiếp xúc với các phương tiện CNTT hiện đại vừa để rảnh tay làm việc khác lại vừa coi đó là niềm tự hào cho gia đình. Họ còn cho con học tiếng Anh qua iPad. Đây là điều cấm kỵ vì ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển bình thường của trẻ. Sai lầm của cha mẹ là cứ tưởng ti vi sẽ dạy con nói nhanh hoặc hướng trẻ học tiếng Anh qua iPad cho tiện lợi. Tốt nhất khi thấy con từ 6 đến 8 tháng không phát ra được âm thanh như đứa trẻ khác, 10 tháng không có giao tiếp chủ ý, không có từ đơn nên đưa đến BS chuyên khoa để được tư vấn. Việc phát hiện trẻ chậm nói cũng không quá khó vì hơn ai hết cha mẹ là người cảm nhận được con mình có những khác lạ so với trẻ cùng lứa về phát triển ngôn ngữ.

“Các cặp vợ chồng trong gia đình trẻ nên hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ chậm nói như sinh đúng tháng, tránh trẻ bị nghẹt khi sinh, không để sản phụ bị ngộ độc rượu, rubella trong thai kỳ. Khi có những triệu chứng chậm nói chúng ta nên đưa trẻ đi đến các chuyên khoa để được can thiệp càng sớm càng tốt” – KTV Bích Thuận khuyên!

Bài, ảnh: Quang Phan

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)