Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Xóm miền Tây” giữa lòng thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Ít ai nghĩ giữa lòng TP.HCM lại có một “xóm miền Tây” mà người dân sống nương theo con nước lớn, nước ròng. Đó là những cư dân sống nép mình bên rạch Bà Bướm thuộc phường Phú Thuận, quận 7. Cuộc sống nghèo là vậy nhưng những cư dân còn ít ỏi bám víu lại đây vẫn không muốn rời xa, khi nơi đây đang được quy hoạch thành một khu đô thị mới.

Đây là nơi trở về của người dân “xóm miền Tây” sau một ngày lao động sông nước

“Nương theo con nước mà sống”

TP.HCM có lẽ là nơi hội tụ nhiều cư dân ở mọi vùng miền trên cả nước. Vùng đất bao dung này là nơi mưu sinh của người dân tứ xứ, rồi họ xem đây như là nhà, quê hương thứ hai của mình. Ở đây có rất nhiều xóm, nhiều phố vẫn giữ được nét đặc trưng vùng miền như xóm người Chăm ở quận 8, người Hoa ở quận 5, phố người Bắc ở đường Lý Tự Trọng, chợ xứ Quảng – Bà Hoa ở quận Tân Bình… còn có 1 xóm nữa mà mọi người gọi là “xóm miền Tây”. Hộ dân sống lâu đời nhất ở con rạch Bà Bướm này cũng đã hơn 60 năm. “Xóm miền Tây” – được người dân gọi đã nói lên tất cả, sống ở rìa những con rạch, con sông, việc di chuyển chủ yếu là trên những con thuyền, chiếc ghe.

Ông Đặng Văn Trước (61 tuổi) bị tật ở chân đã bấu víu vào những tán dừa để sống gần 60 năm qua. Cuộc đời nổi trôi theo con nước, không người thân, không họ hàng thân thích. Một căn chòi tạm bợ với vài tấm tôn bỏ, mấy miếng bạt, bao bì quây xung quanh mấy cây cột được gọi là mái nhà. Ông ngậm ngùi: “Bà con ở đây quen biết đã lâu rồi. Bây giờ đi mỗi người một ngả thấy cũng buồn quá nhưng cuộc sống bắt buộc phải đi thôi…”.

Mỗi hộ dân đến và tá túc lại đây đều mang theo cho mình một số phận thầm lặng. Cái nghèo cái khó cứ đeo đẳng mãi không buông họ ra được. Những đứa trẻ lấm lem, đen nhẻm, chân đất còn thiếu cái ăn từ khi mới lọt lòng đã làm quen với con nước. Nếu không được chứng kiến, thì ít ai nghĩ vẫn còn nơi như thế này ở lòng TP.HCM náo nhiệt.

Khuất sau những rừng cây và rặng dừa nước lâu năm chưa khai phá, “xóm miền Tây” chỉ còn vài căn chòi, vài chiếc ghe đã “luống tuổi” nằm nép mình bên căn chòi tạm bợ, siêu vẹo ở chỗ nước cạn. Trước đây, xóm gần 50 gia đình đa phần là người dân nhập cư, sống lưu lạc rồi gặp nhau ở đây rồi thành xóm.

Đã gọi là miền Tây thì không thể tách rời con nước, từ thả lưới, thả câu, đặt lờ… rồi nuôi thêm con heo, con gà đấy là cái “cần câu” ngày 3 bữa cơm của người dân sống ở đây. Điện là vài sợi dây sơ sài nằm vắt vẻo qua mấy nhánh cây, nước ăn được mua từng can, chở hoặc xách từ lộ lớn vào. Còn chuyện tắm rửa thì rạch Bà Bướm “bao luôn” không tốn tiền nước vô thời hạn.

Chị Bùi Thị Hồng Thủy cho biết: “Nước thì chúng tôi xài ở dưới con sông này. Mỗi lần nước lớn thì xách lên lóng trong lại xài. Còn nước ăn uống thì vào trong chợ chở từng can, mỗi can 30 lít. Điện thì xài điện nhờ của người ta”.

Chỉ ước 1 cái chòi

Khu vực “xóm miền Tây” có diện tích 117,78ha, được UBND TP.HCM quy hoạch làm khu công viên đa chức năng và khu nhà ở đô thị. Từ chỗ có gần 50… nóc chòi, giờ chỉ còn chừng chục nóc. Nơi này tương lai gần sẽ mọc lên cao ốc và công viên.

Những đứa trẻ không được đến trường, đi nhặt ve chai phụ giúp cha mẹ

Khu vực “xóm miền Tây” có diện tích 117,78ha, được UBND TP.HCM quy hoạch làm khu công viên đa chức năng và khu nhà ở đô thị. Từ chỗ có gần 50… nóc chòi, giờ chỉ còn chừng chục nóc. Nơi này tương lai gần sẽ mọc lên cao ốc và công viên.

Từ ngày quy hoạch, người dân không có hộ khẩu buộc phải di dời. Rạch Bà Bướm cũng bị thu hẹp đáng kể, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm khó khăn. Những người gắn bó lâu năm cũng đành rời đi, bỏ lại những nền nhà trơ xi măng, xóm cũng tan rã gần hết, những người còn cố bám trụ có lẽ lại phải đối mặt với cảnh trôi nổi thập phương tứ xứ.

Chị Nguyễn Thị Năm (30 tuổi) ao ước: “Chúng tôi chỉ muốn có chỗ cất cái chòi cho 2 đứa con nó ở thôi, chứ mình không ước ao gì hết”. Những đứa trẻ được sinh ra rồi lớn lên ở đây, nhiều em không được đến trường phải theo cha, theo mẹ đi đặt lờ, làm thuê kiếm sống. Ăn chưa no sao dám mơ đi học. Lớn hơn chút thì xin đi làm công nhân, bảo vệ, phụ hồ…

Cuộc sống bấp bênh theo con nước, “xóm miền Tây” như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống náo nhiệt bên ngoài, nhưng họ vẫn vẹn nguyên cái chất phát, bình dị đậm chất sông nước Nam bộ. Những người dân còn lại đau đáu một nỗi lo không biết sẽ về đâu, sống ra sao khi “xóm miền Tây” bị xóa sổ…?

Bài, ảnh: Phạm Quyên

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)